Anh Nguyễn Thanh Quang và các cộng sự của Công ty Trường Giang, Đà Nẵng đã "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng lò hơi đốt nhiên liệu xấu kiểu tầng sôi tái tuần hoàn".
Loại lò hơi này cho phép đốt nhiều loại nhiên liệu khác nhau trên cùng một lò, không cần cải tạo hệ thống thiết bị. Lò hơi tầng sôi đốt phế phẩm nông nghiệp có thể coi là lò hơi có chi phí nhiên liệu rẻ nhất, chỉ chiếm chưa đầy 15% so với đốt dầu và 35% so với đốt than, đây là tính ưu việt của loại lò hơi nói trên. Chủ động thiết kế chế tạo thiết bị lò hơi công suất trung bình và lớn nhờ kỹ thuật tầng sôi ở trong nước, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nguồn ngoại tệ, mà còn tránh phải nhập khẩu các thiết bị tương ứng từ nước ngoài, rất bị động khi cần thay thế sửa chữa, bảo hành, cũng như các vấn đề an ninh khác.
Biến đổi khí hậu đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng các loài sinh vật
Một thông tin công bố trên Tạp chí Khoa học của Mỹ số ra ngày 30-4 cho biết, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao có thể gây ra thảm họa đối với một số lượng lớn các chủng loại động, thực vật trên thế giới. Nghiên cứu trên đánh giá tổng hợp 131 nghiên cứu trước đó và ước tính rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, 5,2% số chủng loại động, thực vật sẽ đối mặt nguy hiểm. Trong khi đó, nếu nhiệt độ tăng 3 độ C, con số trên sẽ tăng lên 8,5%. Nếu nhiệt độ tăng lên 4 độ C, tỷ lệ này sẽ là 16%, tương đương cứ sáu loài thì có một loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Một nhóm nhà khảo cổ học và sinh thái học sau khi nghiên cứu hóa thạch của các sinh vật biển tới 23 triệu năm tuổi cho biết một số loài động vật dễ bị tác động hơn các loài khác và nguy cơ tuyệt chủng khác biệt theo khu vực.
Lối sống hiện đại làm giảm lượng vi khuẩn có ích và gia tăng bệnh tật
Chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày nay đã làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn có ích trên cơ thể con người. Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học thuộc Đại học Washington và Trung tâm Y học Langone thuộc Đại học New York đã phân tích tác dụng và sự biến đổi của vi khuẩn trên cơ thể đối với một nhóm 34 người thuộc cộng đồng thổ dân thiểu số Yanomami, sinh sống tại vùng rừng Amazon thuộc Vê-nê-xu-ê-la. Kết quả cho thấy lượng vi khuẩn trung bình đếm được trong cơ thể người Yanomami cao gấp đôi người Mỹ, cao hơn 30% so với người Guahibo và hơn 40% so với người Malawi. Theo các nhà khoa học, cơ thể mỗi người Yanomami chứa nhiều vi khuẩn có ích có thể là do họ sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, do đó họ vẫn giữ được một chế độ ăn thuần tự nhiên cũng như chưa từng tiếp xúc với các chất kháng sinh nhân tạo.
Theo Báo Nhân dân