Trải qua 15 năm, Chương trình nông thôn miền núi đã thực hiện được 856 dự án, chuyển giao 4.804 công nghệ và 2.516 mô hình về ứng dụng công nghệ. Các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, bước đầu hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần giải quyết để chương trình phát huy hiệu quả cao trong những giai đoạn tiếp theo.
Những năm trước đây, nhà khoa học và người dân thường không có sự gắn kết với nhau, cho nên các nghiên cứu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) không đến được với người dân và thực tiễn sản xuất. Thông qua Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi" (Chương trình nông thôn miền núi), những tiến bộ KHKT đã nhanh chóng chuyển giao trực tiếp đến người dân, giúp hoàn thiện thêm quy trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Trải qua 15 năm, Chương trình nông thôn miền núi thật sự trở thành kênh chuyển giao trực tiếp những kết quả nghiên cứu, tiến bộ KH và CN mới vào sản xuất, đời sống thông qua việc xây dựng những mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH và CN. Qua đó đã chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương hình thành các ngành nghề mới; xã hội hóa được nguồn vốn đầu tư; đồng bộ các nguồn lực từ các tổ chức KH và CN, chính quyền, doanh nghiệp và người dân thực hiện việc chuyển giao KH và CN vào địa bàn nông thôn miền núi. Ông Đặng Văn
Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh cho biết, thông qua Chương trình nông thôn miền núi, các tiến bộ kỹ thuật và mô hình trồng hoa chất lượng cao đã được chuyển giao cho hàng trăm chủ trang trại, hợp tác xã, công ty và các hộ nông dân trên mọi miền đất nước với diện tích hàng trăm héc-ta, mang lại thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/héc-ta, cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mô hình thông thường. Tại một số địa phương trước đây không có kỹ thuật trồng hoa thì nay người dân cũng nắm chắc được kỹ thuật và xây dựng được những vùng trồng hoa có diện tích hàng chục héc-ta như Hoành Bồ (Quảng Ninh), Văn Giang (Hưng Yên), Đan Phượng (Hà Nội), Tuy Hòa (Phú Yên)... Nhờ đó, người dân đã tiếp cận và liên kết giữa các vùng trồng hoa với nhau, giữa người sản xuất và các nhà khoa học, doanh nghiệp, từ đó phát triển sản xuất hoa một cách ổn định và bền vững. Ông Bùi Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV giống gia súc Hà Nội cho biết, nhờ việc ứng dụng KH và CN trong chăn nuôi gia súc, qua ba năm triển khai, công ty đã lai tạo hơn 10 nghìn con bò thịt chất lượng cao. Giá trị sản lượng sản xuất ra đạt hơn 160 tỷ đồng, giải quyết hơn sáu nghìn việc làm cho lao động nông thôn ngoại thành, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại ngoại thành Hà Nội. Các dự án của Chương trình nông thôn miền núi bước đầu tạo được sự liên kết giữa bốn nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi theo hướng CNH,HĐH ở địa phương, phát triển hàng hóa, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện các dự án vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng KH và CN các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ KH và CN), hiện nay nguồn nhân lực trên địa bàn nông thôn và miền núi trong hoạt động nghiên cứu triển khai KH và CN còn thiếu và yếu. Ngoài ra, việc phối hợp trong công tác quản lý giữa Bộ KH và CN và các địa phương, giữa đơn vị chuyển giao công nghệ và đơn vị tiếp nhận công nghệ nhiều lúc chưa chặt chẽ. Cơ chế chính sách khuyến khích nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc (đặc biệt là chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm tạo ra từ dự án) chưa được các địa phương thật sự quan tâm. Số lượng các dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ trong Chương trình có sự tham gia của doanh nghiệp và thực hiện theo chuỗi giá trị rất có hiệu quả và tăng qua các giai đoạn, nhưng số lượng những dự án này còn thấp; chưa xây dựng được hạ tầng thông tin KH và CN đủ mạnh để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về KH và CN. Thiếu các cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ và bí quyết công nghệ. Để giải quyết những tồn tại nói trên, theo ông Đặng Văn Đông, công nghệ cần được các cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận, chuyển giao phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Cơ quan chuyển giao công nghệ phải có kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện; đội ngũ cán bộ sẵn sàng đến địa phương hướng dẫn cho người dân; chú trọng tới các dự án thực hiện theo chuỗi giá trị có sự tham gia với vai trò hạt nhân của doanh nghiệp; Nhà nước, Bộ KH và CN cần kiểm tra, đánh giá các dự án sau khi kết thúc để rút kinh nghiệm và tuyên truyền, quảng bá hiệu quả của dự án đã thành công.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư KH và CN vào nông nghiệp, bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội. Cùng với đó phải tăng cường mối liên kết giữa cơ quan khoa học, chủ dự án và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi khép kín, từ quy hoạch đến đầu tư sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Có như vậy thì các dự án trong giai đoạn sắp tới của Chương trình nông thôn miền núi mới đạt được hiệu quả cao, thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo.
Theo Báo Nhân dân