Ngày 18/3/2015, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tư vấn đánh giá, nghiệm thu dự án độc lập cấp Nhà nước đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại các nhà máy xử lý rác thải” đang triển khai thực hiện tại nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác thải, thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, từ 9/2012 đến 9/2014, mã số: DAĐL - 2012/12 do PGS.TS. Tăng Thị Chính - Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ nhiệm.
Theo PGS.TS. Tăng Thị Chính, việc xử lý và tái chế thành phần hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thành nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp đã và đang được nhiều địa phương ở Việt Nam áp dụng. Đây là một hướng xử lý thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa nguồn CTRSH phải đem chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu quá trình ủ compost chất thải hữu cơ diễn ra do các vi sinh vật (VSV) tự nhiên có trong rác thải, thì thời gian phân huỷ dài, chất lượng mùn hữu cơ thu được không cao. Sử dụng chế phẩm vi sinh ưa nhiệt (Sagi Bio) sản xuất từ các chủng vi khuẩn Bacillus và xạ khuẩn Streptomyces đã thúc đẩy nhanh quá trình xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, rút ngắn thời gian xử lý khoảng 20 ngày, lượng mùn hữu cơ thu được tăng 30 - 36%; chất lượng mùn tốt hơn: tỷ lệ hữu cơ tăng khoảng 5%, hàm lượng nitơ dễ tiêu tăng 11,2%, photpho dễ tiêu tăng 17%, axit humic tăng 40%.
Hiện nay, ở Việt Nam xu hướng xử lý, tái chế thành phần hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thành phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp đã và đang được nhiều địa phương đầu tư. Đây là một hướng xử lý thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa lượng CTRSH phải đem chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường nước và không khí (Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn, Hà Nội, Công ty môi trường Xanh (Seraphin), Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương Huế, nhà máy xử lý phế thải Việt Trì, nhà máy xử lý rác thải Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…). Tuy nhiên, ở hầu hết các nhà máy xử lý trên, quá trình ủ chất thải hữu cơ diễn ra do các vi sinh vật tự nhiên có trong rác thải nên thời gian phân huỷ lâu, chất lượng mùn hữu cơ thu được không cao, phân có hàm lượng hữu cơ thấp nên khó tiêu thụ. Do vậy, cần phải có công nghệ phù hợp để chế biến chúng thành các loại phân bón có đặc tính nổi trội hơn.
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm VSV ưa nhiệt phân hủy nhanh chất thải hữu cơ để ủ compost xử lý CTRSH và quy trình sản xuất, sử dụng các chủng VSV chức năng để tái chế mùn hữu cơ thu được từ CTRSH thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp ở quy mô công nghiệp. Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh ưa nhiệt - Sagi Bio công suất 1 tấn/mẻ có chất lượng ổn định và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN&PTNT; quá trình sản xuất đã được chuyển giao cho doanh nghiệp để thương mại hóa, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sử dụng trong xử lý môi trường ở Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, PGS.TS. Tăng Thị Chính cho biết: Nhà máy Chế biến phân bón từ chất thải Hà Tĩnh bắt đầu đi vào hoạt động xử lý CTRSH từ tháng 10/2012 đã hoạt động liên tục, ổn định, xử lý cơ bản triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh từ Tp. Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên. Sản phẩm chính của Nhà máy là phân hữu cơ vi sinh, hiện nay mùn hữu cơ thu được sau quá trình xử lý được chế biến thành phân hữu cơ vi sinh đang được tỉnh Hà Tĩnh sử dụng để cải tạo đất hoang hóa do khai thác titan tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh để trồng một số loại rau (củ cải, cà chua, bắp cải, cà rốt…) sinh trưởng tốt và cho năng suất khá cao. Chất lượng rau quả trồng trên đất khai thác titan đảm bảo an toàn (hàm lượng các kim loại nặng Hg, As, Pb, không phát hiện trong sản phẩm).
Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng đánh giá dự án sản xuất thử nghiệm triển khai thực hiện tốt, có sự phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường rõ rệt, góp phần tận thu mùn sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ CTRSH, có 6/12 sản phẩm vượt mức đã đăng ký. Hội đồng đã thống nhất xếp loại dự án đạt kết quả tốt, đồng thời đề nghị nhóm thực hiện tiếp tục nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm khi áp dụng vào thực tế.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ