Tháp truyền hình Việt Nam đạt kỷ lục thế giới

       (VietQ.vn) - Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam. Ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tin rằng dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m) cũng là mong ước của Thủ tướng, Chính phủ và tất cả nhân viên Đài Truyền hình Việt Nam.
Tháp truyền hình Việt Nam đạt kỷ lục thế giới
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh nói: “Tôi chỉ nói lại mong muốn của Chính phủ, của Thủ tướng. Khi tôi nói chuyện với Thủ tướng về việc xây dựng tháp truyền hình, Thủ tướng nói tháp truyền hình sẽ phải cao nhất khu vực. Tôi đã hỏi Thủ tướng là cao nhất khu vực Đông Nam Á hay châu Á? Đông Nam Á thì đương nhiên sẽ là cao nhất rồi. Thủ tướng nói cao nhất châu Á.
Tôi nói cao nhất châu Á nghĩa là cao nhất thế giới. Bởi vì bây giờ có 2 cái tháp cao nhất thế giới, thứ nhất là của Nhật Bản, thứ 2 là của Trung Quốc thì cao nhất châu Á cũng có nghĩa là cao nhất thế giới”.
Hai tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay, thứ nhất là tháp Sky - Tree (Tokyo - Nhật Bản) có độ cao 634m, hoàn thành năm 2012; thứ hai là tháp truyền hình Quảng Châu (Trung Quốc) với độ cao 600m, hoàn thành vào năm 2009. Cũng trong phát biểu của mình tại lễ ký kết, ông Trần Bình Minh còn chia sẻ những mong muốn của ông với tháp Truyền hình Việt Nam: “Chúng ta sẽ xây dựng không chỉ có cái tháp mà chúng ta còn tạo ra được những cơ sở hạ tầng, kinh doanh giải trí. Chúng tôi có mơ ước là sẽ phải có một trung tâm biểu diễn thật tương xứng - nơi chúng ta có thể làm tất cả những sự kiện lớn nhất, có khả năng đáp ứng 8000 - 10000 khán giả tham gia”.
Kết thúc bài phát biểu, ông Trần Bình Minh nói: “Việt Nam và Chính phủ sẽ để lại cho thế hệ sau một công trình biểu tượng và đó chính là tháp Truyền hình Việt Nam. Đó là mơ ước của Đài Truyền hình Việt Nam, mơ ước của không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi cũng tin đây là mong ước của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Vậy thì, chúng ta hãy cố gắng hết sức làm cho dự án này thành công”.
Dự kiến, tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Việc tháp truyền hình này được xây dựng cũng được dự báo sẽ đem lại những ảnh hưởng to lớn với du lịch, đầu tư và xã hội của những khu vực lân cận cũng như điểm nhấn quan trọng về kiến trúc của Thủ đô Hà Nội.
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu hợp tác đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ Tháp Truyền hình Việt Nam có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó cần làm rõ phương án huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác.
Thủ tướng đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Với chiều cao 634m, Tháp Tokyo Skytree đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất hiện nay, cao hơn 34 m so với Tháp Canton ở Quảng Châu (Trung Quốc) cao 600 m. Tuy nhiên, xét về độ chọc trời, hiện Tháp Tokyo Skytree còn đứng sau công trình xây dựng cao nhất thế giới là tòa nhà Burj Khalifa cao 830 m ở Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Theo Long Nguyễn (T/h)
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây