Các nhà khoa học nữ đem lại ánh sáng cho người bệnh

      Nhóm 16 nhà khoa học của Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương đã nghiên cứu thành công công nghệ tế bào gốc để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, mở ra cơ hội tìm lại ánh sáng cho hàng trăm nghìn người mắc bệnh.
Các nhà khoa học nữ đem lại ánh sáng cho người bệnh
Với 10 năm nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, thành công này của 16 nhà khoa học đã nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014. Trong nhóm có 13 nhà khoa học là nữ giới.
Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa…
Cứu mù cho nhiều bệnh nhân bị hỏng giác mạc
Anh Nguyễn Văn Tiến (Vĩnh Phúc) là công nhân xây dựng, do bất cẩn trong quá trình lao động, anh đã để vôi bắn vào mắt trái, khiến giác mạc bị bỏng nặng và loét, xung quanh giác mạc các mô xơ phát triển dày đặc, thị lực bị suy giảm trầm trọng.
Khi đó, anh rất buồn phiền, thiếu niềm tin vào cuộc sống vì anh không thể quay trở lại với công việc và cuộc sống bình thường như trước đó khi một bên thị lực là 0/10.
Tuy nhiên, hy vọng tìm lại ánh sáng của anh đã được các nhà khoa học của Bộ môn Mô-Phôi (Trường ĐH Y Hà Nội) chắp nối thành công bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào gốc từ vùng rìa của giác mạc ở bên mắt lành để tạo thành tấm biểu mô giác mạc, ghép vào mắt hỏng.
Sau ba tháng theo dõi, ánh sáng đã dần trở lại với mắt bên trái của anh khi bề mặt nhãn cầu hồi phục khả quan.
Trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Hon (Bắc Ninh) bị tổn thương giác mạc và bề mặt nhãn cầu do bỏng vôi, mắt mờ đục, không còn khả năng nhìn rõ mọi vật, cũng đã may mắn được áp dụng phương pháp này. Sau khi được ghép hai lần tấm biểu mô, mắt của bệnh nhân đã nhìn rõ.
Theo TS. BS Vũ Tuệ Khanh, người thực hiện 2 ca phẫu thuật trên, nếu không được thực hiện phương pháp này thì các tổ chức mô, xơ xuất hiện kín bề mặt giác mạc của các bệnh nhân, khiến giác mạc của họ bị đục dần rồi không nhìn thấy.
Đặc biệt, khi bị tổn thương nặng, sẹo sẽ phá hủy tổ chức giác mạc gây hội chứng suy giảm tế bào nguồn, nếu không điều trị đúng hướng, kịp thời sẽ gây mù rất nhanh.
“Cách tốt nhất là ghép giác mạc nhưng ở nước ta hiện nay nguồn hiến giác mạc rất hiếm hoi, nên nguy cơ mù lòa ở bệnh nhân là rất cao. Giải pháp dùng tấm biểu mô được nuôi cấy từ tế bào gốc là phương án tối ưu để khắc phục hiện trạng này. Tấm biểu mô sẽ không cho các tổ chức mô, xơ, mạch máu tấn công bề mặt giác mạc”, TS Khanh chia sẻ.
Đây chỉ 2 trong số 15 bệnh nhân đã được nhóm nghiên cứu tiến hành nuôi cấy và ghép tấm biểu mô được tạo thành từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc bên mắt lành, từ năm 2008 đến nay.
Nhiều bệnh nhân khác bị tổn thương giác mạc do bệnh di truyền (như đục giác mạc bẩm sinh…), bị hội chứng về mắt, đeo kính áp tròng thường xuyên không đúng cách… cũng đã nhìn thấy rõ nhờ phương pháp này.
Những nỗ lực được “đền đáp”
Điều trị tổn thương giác mạc bằng tế bào gốc là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Ở Việt Nam, phương pháp này hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp hiện đang được sử dụng ở Việt Nam để điều trị tổn thương giác mạc là: gGhép màng ối (chỉ mang tính tạm thời), ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải).
Với đam mê nghiên cứu khoa học cùng suy nghĩ đau đáu tìm lại ánh sáng cho những bệnh nhân bị tổn thương giác mạc bằng phương pháp mới, khắc phục được những tồn tại của các phương pháp truyền thống, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng Bộ môn Mô-Phôi (ĐH Y Hà Nội) làm trưởng nhóm, ban đầu đã cùng nhau tự đóng góp kinh phí để phục vụ cho đam mê nghiên cứu khoa học.
Sau 4 năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2007, lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã cho kết quả tốt.
Từ thành công này, nhóm tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào đầu năm 2008. Sau ghép, bệnh nhân đã trở lại làm việc bình thường cho đến nay.
Đến thời điểm này, nhóm đã tiến hành nuôi cấy và ghép tấm biểu mô được tạo thành từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc bên mắt lành cho 15 bệnh nhân và bằng tấm biểu mô từ tế bào niêm mạc miệng cho 26 bệnh nhân bị tổn thương hai mắt. Tỷ lệ thành công của các ca bệnh từ 70-80%.
Điều đặc biệt trong công trình nghiên cứu này là các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới, với chi phí rẻ và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (đang là nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới). Hiện quy trình đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Những nhà khoa học nữ đã nỗ lực, miệt mài trong hơn một thập kỷ qua để thắp sáng những đôi mắt không thể nhìn rõ, đem lại niềm hy vọng và cuộc sống tươi đẹp cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ bị mù lòa.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, xin chúc các chị luôn mạnh khỏe và hạnh phúc, tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình cho nền y học nước nhà.
 Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, chi phí cho một ca ghép và điều trị cho một bệnh nhân ước tính chỉ bằng 1/10 so với chi phí ở nước ngoài, tức là khoảng 10-15 triệu đồng và bệnh nhân có cơ hội nhìn thấy ánh sáng rất khả quan. 15 bệnh nhân mà nhóm nghiên cứu đã ghép và điều trị thời gian vừa qua là hoàn toàn miễn phí.
 
 
Theo VGP

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay33,384
  • Tháng hiện tại1,112,235
  • Tổng lượt truy cập3,817,439
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây