Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tỉnh Hải Dương đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đề ra, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

 

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

- Về công tác triển khai Nghị quyết: Hải Dương coi khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh đã được thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng, đó là: phát triển có trọng điểm, tập trungáp dụng các thành tựu khoa học hiện có và đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; coi trọng ứng dụngtiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; lựa chọn những công nghệ tiên tiến phù hợp với địa phương để đầu tư một số dự án, tạo sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, hệ thống tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ:Cụthể hóa Luật Khoa học và công nghệ, các văn bản hướng dẫn Luật vào điều kiện cụ thể của tỉnh Hải Dương. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệhằng năm đã hướng vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh có hiệu quả thiết thực. Các bước xây dựng kế hoạch được tiến hành chặt chẽ từ khâu xác định nhiệm vụ ở các hội đồng tư vấn chuyên ngành, Hội đồng khoa học và công nghệtỉnh, trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được nghiệm thu, đánh giá đều được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ để nhân rộng và áp dụng vào sản xuất và đời sống.

- Về đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ: Kiện toàn tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;đã tách các hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ độc lập với hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ. Bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở các huyện, thành phố, thị xã đang được kiện toàn theo Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi năm 2013. Hoạt động của các Hội đồng khoa học và công nghệ từ tỉnh đến huyện đã phát huy được vai trò trong việctham mưu, tư vấn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập chuyển dần sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, đã chuyển đổi 3 đơn vị sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Trung tâm thông tin KH&CN và Tin học, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng; các đơn vị sự nghiệp khác của tỉnh đang thực hiện chuyển đổi theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

- Về phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ: tỉnh Hải Dương đã thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; quy hoạch, nâng cấp mạng lưới các trường đại học, cao đẳng; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm định, hiệu chuẩn đo lường, quan trắc và phân tích môi trường, di truyền chọn giống, nuôi cấy mô tế bào thực vật, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm...; tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị, tiếp nhận quy trình kỹ thuật sản xuất một số giống cây, con phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế phẩm sinh học; đầu tư nâng cao năng lực phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm từ nhiều nguồn kinh phí khác cho các đơn vị sự nghiệp trong các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh như: phòng thí nghiệm hợp chuẩn thuộc Trung tâm Quản lý dự án và Kiểm định xây dựng, Sở Xây dựng; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế; phòng thí nghiệm phân tích tại Trung tâm Phân tích và quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường...

- Việc triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu: Giai đoạn (2012-2016) có tổng số 147 nhiệm vụ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước giai đoạn năm 2012-2016 là: 141.701,0334 triệu đồng. Trong đó: kinh phí quản lý hành chính là 22.959,7344 triệu đồng, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ là 116.971,545 triệu đồng; kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường là 1.769,754 triệu đồng. Kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ trung bình hàng năm là 28.340,21 triệu đồng. Ngoài ra Viện cây lương thực và cây thực phẩm đóng trên địa bàn tỉnh được nhà nước đầu tư 234.457,657 triệu đồng thực hiện 237 nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, ngành chọn tạo giống cây lương thực và cây thực phẩm cho vùng, miền trong toàn quốc. Các doanh nghiệp, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất, chủ yếu là sản xuất xi măng, bơm nước, đá mài,… Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm đã tập trung thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ theo định hướng, đóng góp lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh  trong những năm qua.

- Về phát triển thị trường khoa học và công nghệ:từng bước đã tạo lập được nền tảng cơ bản để phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đã đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Dương; hỗtrợ các doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể: đến năm 2017 đã xây dựng được 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, 18 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm các làng nghề truyền thống của tỉnh (Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Sắn dây Kinh Môn, Hành Kinh Môn, Tỏi Kinh Môn, Cà rốt Đức Chính, Gà đồi Chí Linh, Na Chí Linh, Củ đậu Kim Thành, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Ổi Thanh Hà, Bưởi Thanh Hồng, Giầy da Hoàng Diệu, Rươi Tứ Kỳ....). Giai đoạn năm 2011-2016, toàn tỉnh có 1.629 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ (1.551 đơn về nhãn hiệu, 63 đơn về kiểu dáng công nghiệp, 15 đơn về sáng chế, giải pháp hữu ích), trong đó có 1.094 đối tượng sở hữu công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận và văn bằng bảo hộ (Nhãn hiệu hàng hóa là 1.046 giấy chứng nhận, kiểu dáng công nghiệp là 43 văn bằng; sáng chế là 05 văn bằng). Đã hỗ trợ 44 lượt doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh tham gia trưng bày sản phẩm, giới thiệu, quảng bá thương hiệu tại các hội chợ quy mô quốc gia và khu vực như: Hội chợ Techmart Quảng Nam năm 2011, Techmart Việt Nam năm 2012, Techmart Việt Nam năm 2013, Hội chợ AGROVIET năm 2014, 2015. Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, Hải Dương được đánh giá là tỉnh đứng thứ 6 về số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và đứng thứ 8 về số văn bằng được bảo hộ.

- Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ: Hải Dương đã thực hiện tốt chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; thực hiện các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, như: hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha về cấp nước sạch cho sinh hoạt, xử lý nước thải trong chăn nuôi lợn quy mô tập trung, về sản xuất cây rau màu, dự án về xử lý rác thải,… Tham gia hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước EU, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tích cực hợp tác với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Viện chăn nuôi, Viện di truyền... nghiên cứu, khảo nghiệm các kỹ thuật mới về biện pháp canh tác, về giống cây trồng và vật nuôi để đưa vào áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Hải Dương đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng trưởng GRDP là 8,31%/năm; tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 2,44%/năm; tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh là 29,42%. Trong đó, ngành công nghiệp tỉnh đã có những đóng góp lớn, nhất là các sản phẩm công nghiệp chính, chủ lực (cơ khí chế tạo, điện tử tin học, dệt may, da giầy).

Trong những năm tới Hải Dương từng bước đưa khoa học và công nghệthực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là giải pháp quan trọng để giải quyết những vấn đề bức xúc trong quá trình thực hiện các nhiệmvụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh. Tập trung phát triển tiềm lực khoa học và công nghệcủa tỉnh, nhất là nguồn nhân lực khoa học và công nghệcó trình độ cao để có đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng và quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường. Chú trọng đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Vũ Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây