Nguời trồng vải có thu nhập cao

Năm 2017, người trồng vải tại huyện Thanh Hà có nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với năm trước. Vải vụ sớm được mùa, giá bán cao gấp đôi. Vải thiều chính vụ tuy năng suất có giảm đáng kể, song giá bán vải đạt mức cao nhất từ trước tới nay, người trồng vải ở Thanh Hà có một mùa thắng lợi.

Nguời trồng vải có thu nhập cao

Năm 2017, toàn huyện Thanh Hà có khoảng 1.300 ha vải sớm. Năm nay do thời tiết thuận lợi cho các trà vải sớm ra hoa và đậu quả, nên sản lượng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là trà vải u trứng. Năng suất vải sớm tăng 40% so với năm 2016, tổng sản lượng vải sớm ước đạt hơn 18 nghìn tấn. Giá bán vải sớm dao động từ 30 - 60 nghìn đồng/kg. Vải tiêu thụ thuận lợi, được xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu từ vải vụ sớm ước đạt trên 600 tỷ đồng. Thu nhập từ cây vải sớm đạt trên dưới 200 triệu đồng/ha.

Đối với vải thiều, sản lượng vải thiều năm nay không cao. Nguyên nhân là thời tiết cuối năm 2016 và đầu năm 2017 nắng nóng kéo dài, ít mưa và rét nên tỷ lệ ra hoa của giống vải thiều hay tàu lai chỉ đạt 30-50%, diện tích đậu quả chỉ đạt 20%. Sản lượng vải thiều ước giảm khoảng 30% so với năm 2016. Theo Sở Công thương, năm nay sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 32.000 tấn, trong đó vải sớm chiếm khoảng 58-59% sản lượng, vải thiều chiếm khoảng 41 - 42%. Vải thiều chính vụ có giá bán dao động từ 30 – 40 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Thị trường tiêu thụ vải thiều chủ yếu là kênh tiêu thụ trong nước. Sản lượng vải trong diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp nên tiêu thụ với giá bán cao, đạt 40 – 45 nghìn đồng/kg.

Để có được thị trường tiêu thụ thuận lợi, huyện Thanh Hà đã thiết lập “giá sàn” cho quả vải, với mức giá thu mua không dưới 12 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương lái hoạt động tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng tư thương ép giá.

Mặc dù vậy, vụ vải năm 2017 vẫn còn một số hạn chế cần tìm hướng giải quyết trong những năm tiếp theo. Đó là việc tiêu thụ quả vải vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Theo số liệu của Sở Công thương, có tới 80% sản lượng quả vải Hải Dương xuất khẩu sang thị trường này. Thị trường xuất khẩu sang EU còn bỏ ngỏ, do tỉnh chưa xây dựng được mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa thực sự sôi động nên thương hiệu vải thiều Thanh Hà chưa thực sự được phổ biến rộng rãi trong các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại cho vải thiều. Việc xuất khẩu vải thiều phần lớn là xuất khẩu quả vải tươi, khâu bảo quản, chế biến quả vải còn hạn chế. Vì vậy, giá trị của quả vải chưa được nâng cao.

Trong thời gian tới, để giá trị của cây vải ngày càng phát huy, việc cần làm trước tiên là sự đầu tư về khoa học kỹ thuật để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến năng suất vải, sản xuất vải đạt tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chí của VietGAP, GlobalGAP, nâng cao năng suất và chất lượng quả vải. Mở rộng thị trường tiêu thụ vải đến các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, châu Âu để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng vải. Cùng với đó là sự đầu tư mạnh mẽ về công tác quảng bá, xúc tiến thương hiệu vải thiều Thanh Hà, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như xuất khẩu.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây