Ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Hồng

Vài năm gần đây, đồng bằng sông Hồng đã và đang trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm với nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng quy trình công nghệ  cao tạo ra chuỗi cung ứng, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ phát huy tốt hiệu quả khi nền sản xuất được chuyển đổi từ sản xuất nhỏ, manh mún sang quy mô sản xuất công nghiệp, thúc đẩy hình thành các trang trại tập trung, liên kết các nguồn lực để có quy mô về tài chính và điều kiện sản xuất lớn.

Ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Hồng

Đến nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp, người dân. Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng ưu đãi (100 nghìn tỷ đồng) cho NNCNC, nông nghiệp sạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; triển khai chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng nhằmxây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.

Cả nướchiện có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố, đặc biệt có 6 khu có quy mô diện tích trên 400ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương. Ngoài ra, hiện cũng có thêm nhiều địa phương khác cũng đang thu hút doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao.Vùng đồng bằng sông Hồng đã hình thành vùng chăn nuôi gia cầm; vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ...Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Thái Dương, Công ty Marphavet, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn…

Nhờ áp dụng khoa học hiện đại, tiên tiến, trên những bờ xôi ruộng mật chuyên trồng lúa trước đây ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh…đã hình thành các cánh đồng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.Điển hình như tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các sản phẩm chủ lực và phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành một số vùng sản xuất như sau: Đối với cây cà rốt, tỉnh đã quyhoạch 450 ha tại các huyện Lương Tài, Gia Bình và cho đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung.Vùng trồng rau an toàn đã được quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 50 ha tại huyện Thuận Thành. Đến nay, 10 ha dưa chuột được trồng và đã xuất khẩu. Đối với thuỷ sản, tỉnh đã quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm cá rô phi đơn tính, tổng diện tích 50 ha.

Trong lĩnh vực trồng trọt:Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có khả năng ứng dụng cao trên một vùng chuyên canh tạo nên khối lượng hàng hóa lớn; tận dụng được các lợi thếvềđiều kiện tự nhiên và lao động tại vùng. Các công nghệ cao đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng tập trung chủ yếu gồm: Công nghệ lai tạo giống và nuôi cấy mô thực vật In vitro; Công nghệ trồng cây trong nhà kính; Công nghệ trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể;Công nghệ tưới nhỏ giọt…

Mô hình sản xuất dưa thơmứng dụng công nghệ cao với các giốngdưa thơm Kim hoàng hậu, Kim Cô Lương, Kim Vươngnhập khẩu được sản xuất trong nhà lưới, nhà màn thiết kế cấu trúc công nghệ nhà lưới quy mô nông hộ.Canh tác trong điều kiện nhà màn, nhà lưới; trồng trên giá thể; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón (phối trộn) phân tự động của Israel; Sử dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Năng suất đạt 45 - 50 tấn/ha, giá bán 18 - 20 nghìn đồng/kg, thu nhập 810 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha; lãi thuần thu được 760 - 950 triệu đồng/ha.Mô hình đang được mở rộng và phát triển tốttại Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng. Mô hình với quy mô nông hộ, dễ áp dụng, thành công và cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao sử dụng giống Dưa chuột lai CV 209 và Hazera - 55003nhập khẩu. Sản xuất trong nhà lưới, nhà màn thiết kế cấu trúc công nghệ nhà lưới quy mô nông hộ.Canh tác trong điều kiện nhà màn, nhà lưới; trồng trên giá thể; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón (phối trộn) phân tự động của Israel; Sử dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Năng suất đạt 99 - 120 tấn/ha, giá bán 10 - 12 nghìn đồng/kg cho thu nhập 990 triệu đồng đến 1,44 tỷ đồng/ha; Lãi thuần thu được 360 - 810 triệu đồng/ha,tương đương trình độ của Trung Quốc.Mô hình đang được mở rộng và phát triển tốttại Hải Dương, Hải Phòng...do dễ áp dụng, thành công và cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất cà chua quả nhỏ Kim Ngọcvà Gafnit 36360 nhập khẩu, sản xuất trong nhà lưới, nhà màn thiết kế cấu trúc công nghệ nhà lưới quy mô nông hộ. Canh tác trong điều kiện nhà màn, nhà lưới; trồng trên giá thể; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón (phối trộn) phân tự động của  Israel; Sử dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Năng suất đạt 45 - 47 tấn/ha, giá bán 20 - 25 nghìn đồng/kg. Tổng thu nhập 900 triệu đồng đến 1,175 tỷ đồng/ha; Lãi thuần thu được 278 - 533 triệu đồng/ha, tương đương trình độ của Trung Quốc. Mô hình đang được mở rộng và phát triển tốttại Hải Dương, Hải Phòng ... cho hiệu quả kinh tế cao

Mô hình sản xuất rau thông minh sử dụng giống xà lách, cà chua nhập khẩu trong nhà lưới, nhà màn hiện đại. Công nghệ điện toán đám mây trong quản lý sản xuất. Thời gian sản xuất 1 lứa xà lách trong nhà máy rau là 45 ngày (từ khi cây ở giai đoạn vườn ươm đến khi thu hoạch).Đã sản xuất ra được sản phẩm xà lách ít Kali có chất lượng tốt, do mô hình triển khai trên diện tích quá nhỏ, mới chỉ có tình chất trình diễn công nghệ, chưa có hạch toán đánh giá hiệu quả kinh tế, giá thành sản phẩm còn rất cao (gấp 10 - 30 lần so với thông thường) nên chưa thể đánh giá được hiệu quả trực tiếp của mô hình. Mô hình hiện đại, chi phí đầu tư/đơn vị diện tích rất lớn, nên khả năng mở rộng cũng khó khăn, tuy nhiên nếu nghiên cứu cải tiến để cho phù hợp với điều kiện Việt Nam hơn, thì có khả năng mở rộng được. Đây là quy trình rất tiên tiến, hiện đại, do 2 tập đoàn hàng đầu công ty FUJISU của Nhật và công ty FPT của Việt Nam cùng hợp tác xây dựng phần mềm, công nghệ này có trình độ tương đương quốc tế hiện nay so với Irasel, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mô hình với quy mô hiện đại, sản phẩm sạch, giá trị cao, dễ áp dụng, thành công cao.

Ngoài ra, còn một số mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao; sản xuấthoa lan hồ điệp, quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao;mô hình sản xuất trong chậu ứng dụng công nghệ cao; Mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Bắccác mô hình đang phát triển tốt tại các tỉnhHải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định...

Trong lĩnh vực chăn nuôi:Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi đã được ứng dụng rộng rãi ở cả khu vực doanh nghiệp và các địa phương. Các công nghệ cao được ứng dụng rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường….

Công nghệ sinh sản trên bò sữa, bò thịt là lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều hơn cả, điều này thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ trong và ngoài nước như: nghiên cứu về việc sản xuất phôi in-vitro và in-vivo, kỹ thuật cấy truyền phôi, kỹ thuật cắt phôi, xác định giới tính phôi, sản xuất phôi bằng tinh đã phân loại, đông lạnh và giải đông phôi, sản xuất tinh đông lạnh chất lượng cao của gia súc, gia cầm.Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong dinh dưỡng và thức ăn động vật mới chỉ được quan tâm nghiên cứu trong một vài năm trở lại đây như công trình nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học như chế phẩm probiotic và enzyme như công trình nghiên cứu về enzyme phytase, về probiotic. Bổ sung các chế phẩm trợ sinh và tiền sinh, các chế phẩm giầu kháng thể và sử dụng kháng sinh thảo dược đã và đang được sử dụng nhiều trong các cơ sơ chăn nuôi gia súc, gia cầm thay thế thuốc kháng sinh.

Ở Hà Nội, thành phố đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò, ứng dụng lai tạo bò BBB của Bỉ và xây dựng Trung tâm sản xuất tinh bò công nghệ cao tự động hóa tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Đối với chăn nuôi lợn và gà, sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi quy mô lớn; chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát đạt hơn 80%; bò thịt đạt hơn 50%; hệ thống xử lý môi trường 75% số trại bò sữa; 44% số trại chăn nuôi bò thịt; 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas. 65% số trại chăn nuôi bò sữa; 28% số trại chăn nuôi bò thịt; 29% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Riêng đối với chăn nuôi lợn, đã có 2 trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng biện pháp xử lý môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM. Đối với khâu chế biến trong chăn nuôi, toàn thành phố mới xây dựng được nhà máy sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế thuộc Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP; nhà máy giết mổ gia cầm, công suất 64.000 con/ngày tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), một trong những đơn vị tiên phong thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM-Effective) của Nhật Bản. Chương trình có quy mô chăn nuôi thường xuyên 250 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thương phẩm chăn nuôi sinh học; chuỗi khép kín và toàn bộ sản phẩm là thịt cấp đông được bán tại 88 cửa hàng tiện ích trên cả nước. Ðến nay các sản phẩm đã có hệ thống mã vạch để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sản lượng của chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu đạt 1.200 kg/ngày.

Ngoài ra, có nhiều trang trại chăn nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Điển hình là công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM là một công nghệ sinh học hiện đại cũng đã được áp dụng ở nhiều trang trại chăn nuôi và có những tác dụng ưu việt như tăng năng suất và sức khỏe vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường…Đặc biệt, công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín được được áp dụng phổ biến cho nuôi gà và nuôi lợn tại nhiều địa phương trên cả nước. Các trại nuôi này được xây dựng kín với hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ không khí bên trong, đệm lót sinh học…Nhiệt độ ở các chuồng lạnh luôn đảm bảo phù hợp cho sự phát triển của vật nuôi. Thức ăn, nước uống cũng được cung cấp tự động. Gà, lợn được nuôi trong chuồng kín, nhiệt độ ổn định theo từng độ tuổi. Chuồng được thiết kế kín, cách ly với bên ngoài hoàn toàn, một đầu có hệ thống nhiều quạt hút lớn, một đầu hệ thống làm mát từ nước. Với hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi. Nhờ đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh; đồng thời giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh.

Trong lĩnh vực thủy sản:Công nghệ cao được ứng dụng chủ yếu trong nuôi thủy sản bao gồm công nghệ nuôi thâm canh, công nghệ bioflock, công nghệ lọc nước tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System - RAS), công nghệ sông trong ao; Xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Chép V1 trong ao” tại huyện Yên Mỹ, Ân Thi,tỉnh Hưng Yên”với quy mô 1,5 ha ao nuôi được cải tạo phù hợp để nuôi thâm canh năng suất cao.

Kết hợp với các giải pháp sử dụng thiết bị cho ăn bằng máy tự động nhằm tối đa hóa sự sinh trưởng và tối thiểu hóa chi phí thức ănđã cho sản lương đạt 18.288 tấn. Với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình có lãi gần 192 triệuđồng/ha/năm.

Từ năm 2016 - 2017 dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm và sinh sản nhân tạo cá Trắm đen tại Hưng Yên”được thực hiện trên các huyện Phù Cừ, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Mô hình nuôi thâm canh cá Trắm đen trong ao với quy mô 10.000 m2; thời gian nuôi 20 tháng, năng suất đạt >15 tấn/ha; lợi nhuận từ mô hình đạt 258,3 triệu đồng/ha/20 tháng nuôi. Từ kết quả của dự án, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Do vậy tỉnh Hưng Yên đã và đang cho mở rộng mô hình nuôi thâm canh cá Trắm đen ra các huyện khác trong tỉnh.

Năm 2012, nghiên cứu ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm nhằm đánh giá khả năng áp dụng công nghệ này tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau 177 ngày nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứngdụng BFT, mô hình đã thu được kết quả khối lượng trung bình của cá nuôi đạt 624,2 gram/con, tốc độ tăng trưởng trung bình 3,53 gram/con/ngày, thời gian cá đạt đến cỡ trung bình 500 g/con sớm hơn 18 ngày so với nuôi không ứng dụng BFT; Năng suất đạt 23,6 tấn/ha/vụ nuôi 6 tháng. Môi trường ao nuôi được duy trì sạch sẽ do công nghệ này có thể chuyển hóa tới 51% lượng nitơ đầu vào hệ thố ng nuôi thành sinh khối. Nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứng dụng BFT là 526,662 triệu đồng/ha; Tổng doanh thu 627,6 triệu đồng, lãi ròng 100,938 triệu đồng; Tỷ lệ lợi nhuận/vốn đạt 19,17% cho một chu kỳ nuôi 6 tháng; Giá cá thương phẩm là 23.316 đồng/kg, giá bán trung bình 26.500 đồng/kg, người nuôi lãi 3.184 đồng/kg.

Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng thực hiện từ đầu tiên năm 2011-2013 tại Hải Phòng. Hiện nay, công nghệ này đang được được nhiều địa phương như: Hải Phòng, Nam Định…quan tâm áp dụng do có ưu điểm giúp người nuôi kiểm soát bệnh tôm và chi phí sản xuất; tôm lớn nhanh (75 ngày, size 40+), năng suất ổn định 30-35 tấn/ha/vụ.

Nuôi cá Rô phi công nghệ Bioflock tại Bắc Ninh; thời gian thực hiện từ năm 2018-2019, tổng thu đạt 760.000.000 triệu đồng/4.000 m2 (tương đương khoảng 2,38 tỷ đồng/ha); Lãi thu được trên 340 triệu đồng/ha.

Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trong nông nghiệp CNC đặc biệt trong sử dụng giống chất lượng, sạch bệnh; nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm; hạn chế ô nhiễm môi trường và thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm.Phục vụ các hiệu quả chương trình tam nông (Nông dân, nông nghiệp và nông thôn), đặc biệt là thúc đẩy liên kết 4 nhà trong nông nghiệp, tập hợp được đội ngũ trí thức về phục vụ nông thôn. Tạo sức hút để các  tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Trong suốt hơn 30 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên đồ thị tăng trưởng của nước ta trong vài năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Qua đó cho thấy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi quá trình sản xuất: không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau. Ngành nông nghiệp đang xác định trục phát triển sản phẩm ưu tiên nhóm xuất khẩu bao gồm lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái... Cần chọn mỗi tỉnh 2-3 sản phẩm chủ lực để tập trung nguồn lực phát triển; sản phẩm địa phương cần được lựa chọn gắn với việc xây dựng nông thôn mới và tất cả các sản phẩm phải tạo ra chuỗi thực sự. Muốn làm được điều đó, điều kiện đầu tiên là phải có thị trường minh bạch và quan trọng hơn là phải đẩy mạnh sự vào cuộc của KH&CN.

Trong thời gian tới, các tỉnh vùng ĐBSH cần phát huy thế mạnh của vùng, khắc phục những tồn tại hạn chế để đề xuất các nhiệm vụ KH&CN trúng đích, góp phần nâng cao hiệu quả KH&CN trong phát triển - kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu, đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao...

Hải Ninh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây