Doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhận nhiều ưu đãi mới

Các doanh nghiệp có thể dễ đăng ký để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), đồng thời có thêm cơ hội tiếp nhận các chính sách ưu đãi của Nhà nước do Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP còn nhiều bất cập trước đây.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhận nhiều ưu đãi mới

Đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KH&CN

Nghị định 13 ra đời thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP vốn được xem là còn nhiều bất cập trước đây. Ra đời từ năm 2007, Nghị định 80 về DN KH&CN vốn dựa trên cơ sở Luật KH&CN năm 2000, trong bối cảnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khi đó chưa thực sự được các DN coi trọng. Nghị định 80 có mục đích chủ yếu là hỗ trợ việc hình thành mạng lưới DN KH&CN từ các viện, trường, qua đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ những tổ chức công lập này.

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (NATEC, thuộc Bộ KH&CN), tính đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 DN có đủ điều kiện để được coi là DN KH&CN, nhưng chỉ có trên 400 DN được cấp chứng nhận DN KH&CN. Theo ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng NATEC, điều đó cho thấy, trước đây các DN có thể không mong muốn đăng ký trở thành DN KH&CN do ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn hoặc do thủ tục quá rườm rà.

Nghị định 13 ra đời tạo thuận lợi hơn bằng việc cho phép doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực đều có thể đăng ký và hưởng ưu đãi. Để chứng minh kết quả KH&CN, bên cạnh những sản phẩm KH&CN đã được được cấp giấy tờ chứng minh rõ ràng (như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng vật nuôi; chứng nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ...) thì các doanh nghiệp tự đầu tư và phát triển công nghệ của mình có thể thực hiện theo Thông tư 02/2015 để đề nghị các Sở KH&CN tổ chức hội đồng đánh giá các kết quả KN&CN không sử dụng ngân sách nhà nước làm bằng chứng hồ sơ.

Nhiều ưu đãi mới cho doanh nghiệp KH&CN

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN biết: Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ mở nhiều “nút thắt”, tạo ra nhiều chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển. 

Nghị định ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh theo quy định.

Theo đó, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật hay doanh nghiệp có dự án khoa học và công nghệ khả thi được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay. 

Đặc biệt, doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, để được ưu đãi trên, năm tài chính của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế. 

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Cùng với đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 

Nghị định 13/2019 cũng giúp hỗ trợ giải quyết một trong những khó khăn “tồn tại” của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là nghiên cứu và thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ. Bởi thực tế, quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ gặp nhiều rào cản như: Quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ… 

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.

Về cơ bản, NĐ 13 không thay đổi quá nhiều so với NĐ 80 nhưng đã tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng đã được quy định mạch lạc, rõ ràng, và dễ đáp ứng cho doanh nghiệp hơn so với NĐ 80.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc đòi hỏi phải được điều chỉnh ở các văn bản quy định cao hơn (như Luật thuế, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước…) mà Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý liên quan sẽ tiếp tục phải đề xuất và hoàn thiện trong quá trình sửa đổi hệ thống các văn bản luật.

NĐ 13 hiện nay đã có hiệu lực. Chúng ta kỳ vọng các cơ quan quản lý, đặc biệt là các Sở KH&CN sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để triển khai thực hiện những quy định mới, giúp chúng thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống như mong muốn.

Nhằm thông tin, truyền thông hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN nghệ trên các mạng xã hội tại Việt Nam, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN đã triển khai Dự án phát triển trang thành viên Sàn Công Nghệ Vui.

Các thông tin, cơ chế chính sách mới nhất về Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Nghị định 13 về Doanh nghiệp KH&CN; Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075). Thông tin về các nguồn ngân sách hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm KH&CN; Chính sách ưu đãi mới nhất dành cho doanh nghiệp KH&CN; tương tác với quản lý nhà nước về thị trường KH&CN… các tổ chức cá nhân và các nhà khoa học có thể tìm trên Website www.2075.com.vn và Fanpage Facebook Sàn Công Nghệ Vui.

 

Tổng hợp từ http://natec.gov.vn/


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập179
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,086,809
  • Tổng lượt truy cập3,792,013
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây