Công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp phát triển tài sản trí tuệ tại các địa phương

Công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp phát triển tài sản trí tuệ tại các địa phương

Cho tới thời điểm hiện tại, theo chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (gọi tắt là chương trình 68), Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho khoảng hơn 900 đối tượng có dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 72 chỉ dẫn địa lý, gần 200 nhãn hiệu chứng nhận và hơn 600 nhãn hiệu tập thể. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp phát triển tài sản trí tuệ tại các địa phương

Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi, yêu cầu khắt khe hơn đối với các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm. Với mặt hàng này, yếu tố xuất xứ là rất quan trọng. Theo đó, cùng với kết quả bảo hộ sở hữu trí tuệ đạt được, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang dần trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ KH&CN giao thực hiện triển khai Đề án này.

Mới đây, tại Hội nghị quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, do Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên tổ chức, các ý kiến đại diện cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng thời điểm này không áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó để xuất khẩu, kể cả thị trường Trung Quốc. Vì vậy cần phải tuyên truyền cho nông dân hiểu được khi họ áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ được hưởng những ưu đãi gì, đem lại quyền lợi gì "có như vậy người dân mới tích cực tham gia. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần đi cùng với nông dân, triển khai hướng dẫn cho người nông dân có thể áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Được biết, Hưng Yên hiện có 16 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ như tương Bần, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ... Sau khi được bảo hộ, sản phẩm tăng giá trị lên 20%, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ đang là yêu cầu cấp thiết để tránh tình trạng xâm phạm nhãn hiệu được bảo hộ.

Như sản phẩm gà Đông Tảo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể ngày 16/7/2015. Theo đó, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo Hưng Yên được cấp cho Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo huyện Khoái Châu với tổng số 86 hội viên ở các xã: Đông Tảo, Tân Dân, Bình Minh và Dạ Trạch. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Thịt gà đã chế biến; thực phẩm làm từ thịt gà; gà sống, gà thịt còn sống; mua bán thịt gà đã chế biến, thực phẩm làm từ thịt gà, gà giống, gà thịt còn sống. Tuy nhiên sản phẩm này đang đối mặt với khó khăn trong việc quản lý sử dụng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và cách thức tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

Cũng tại hội nghị của Hưng Yên, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (IDE) cho biết, bằng cách áp dụng truy xuất nguồn gốc, công nghệ chống hàng giả và công cụ quản lý doanh nghiệp hướng tới chăm sóc trực tiếp người tiêu dùng bằng một giải pháp thông minh sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ hiệu quả hơn tài sản trí tuệ của mình. Với việc đầu tư nghiên cứu giải pháp truy xuất nguồn gốc CheckVN trong nhiều năm, IDE đã hoàn thiện nền tảng (platform) cho phép kết nối thông tin theo chiều sâu của từng chuỗi, kết nối rộng theo từng ngành, từng địa phương tạo nên các khối thông tin sâu rộng. Công nghệ CheckVN còn cho phép xác thực lại thông tin truy xuất có chính xác hay không bằng cơ chế khóa linh hoạt cộng với các thuật toán bảo mật đã được bảo hộ độc quyền về sở hữu trí tuệ; thiết lập một phương thức quản trị sản xuất 4.0 bằng việc số hóa tới từng sản phẩm hàng hóa, cập nhật nhật ký sản xuất, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua, Hệ thống truy xuất CheckVN này  đã được Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập hội đồng đánh giá là công nghệ đảm đảo về tính sáng chế, tin cậy về mặt xác thực, phát hiện hàng giả và đặc biệt có thể ứng dụng trên diện rộng. Từ những bao cáo và trao đổi tại Hội nghị về phát triển tài sản trí tuệ tại Hưng Yên, hệ thống và công nghệ truy xuất nguồn gốc CheckVN còn được đánh giá là đặc biệt phù hợp để ứng dụng trong quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm được bảo hộ sở hữu công nghiệp nói chung tại các địa phương

Việc ứng dụng công nghệ trong phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để quản lý và phát triển các sản phẩm nông sản đặc thù được bảo hộ sở hữu trí tuệ được đánh giá có thể thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 “nhà”: Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Người sản xuất – Người tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng tầm vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Dự án phát triển Cộng đồng thị trường KH&CN (Chương trình 2075)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây