Bước phát triển của giao thông nông thôn ở Hải Dương

Ảnh minh họa, nguồn Internet       Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tuyến Quốc lộ quan trọng đi qua. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ở Hải Dương có nhiều thay đổi rõ nét; hàng hóa nông sản được phân phối rộng khắp các vùng miền trên toàn quốc; sự đi lại của nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ phát triển vượt bậc so với những năm trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm; khơi dậy và phát huy tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bước phát triển của giao thông nông thôn ở Hải Dương
       Thời điểm năm 1985, đường giao thông nông thôn của tỉnh chủ yếu là đường đất lầy lội, chỉ có một số tuyến đường liên xã được rải đá cấp phối. Năm 2001, toàn tỉnh có 8.799km đường giao thông nông thôn các loại, chiếm 95% mạng lưới giao thông của tỉnh; trong đó, đường huyện 416km, chiếm 4,7%; đường xã và liên xã 1.376km, chiếm 16,3%; đường thôn, xóm 4.548km, chiếm 51%; đường ra đồng, ra rừng 2.459km, chiếm 28%. Hệ thống đường giao thông nông thôn có chiều dài rất lớn nhưng quy mô, các tuyến đường còn nhỏ, hẹp, mặt đường huyện, đường xã chỉ rộng từ 3m đến 3,5m; đường thôn, xóm 1,5m đến 2 m; đường ra đồng, ra rừng từ 1đến 1,5m. Năm 2001, toàn tỉnh mới có 630km đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng và đường nhựa, chiếm 7,2%; còn lại 3.179km đường đất, chiếm 36%. Kết cấu mặt đường khi cải tạo xây dựng hầu hết chưa đạt yêu cầu, nền đường không được xử lý, mặt đường không bảo đảm chiều dày dẫn đến khả năng chịu tải, năng lực khai thác vận tải thấp. Tình trạng một số tuyến đường sau khi nâng cấp, cải tạo xong thì xe cơ giới không được lưu thông diễn ra phổ biến; đặc biệt là đường thôn, xóm gây khó khăn cho việc đi lại của các phương tiện. Tuy nhiên phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn giai đoạn này chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, không đồng đều, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện kinh tế của từng xã, thiếu sự định hướng và quản lý của các cơ quan Nhà nước, kinh phí đầu tư chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, chưa phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn từ nhân dân; cơ chế hỗ trợ của tỉnh chiếm tỷ trọng rất nhỏ và chưa đồng đều; chưa tạo điều kiện thúc đẩy phong trào xây dựng giao thông nông thôn phát triển.
      Giai đoạn 2001 – 2011, tỉnh Hải Dương đã được triển khai rộng khắp phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn 263 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Hải Dương hoàn thành vượt mức và về đích trước 10 năm mục tiêu về phát triển giao thông nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đi lại được quanh năm đến thôn, xóm. Trong đó, 100% số đường huyện, đường xã không còn đường đất; 70% số xã đã cứng hóa hoặc rải nhựa tất cả đường thôn, xóm. Với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Giao thông Vận tải thông qua Dự án Giao thông nông thôn đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trên 500 lượt lãnh đạo và cán bộ phụ trách giao thông nông thôn ở cấp huyện, cấp xã giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trong 10 năm, đã cải tạo, nâng cấp được 7.221 km đường giao thông nông thôn các loại. Trong đó 813 km đường nhựa; 5.216 km đường bê tông xi măng (gấp gần 10 lần so với tổng số km đường giao thông nông thôn xây dựng từ trước đến năm 2001), còn lại là các đường đá dăm, cấp phối, gạch vỡ xỉ lò). Xây dựng mới 22 cầu, dài 522m. Kinh phí đầu tư 2.359 tỷ đồng tương đương với 8.753 tỷ đồng quy đổi tại thời điểm hiện nay; trong đó Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ 187 tỷ đồng thông qua Dự án giao thông nông thôn và ngân sách tỉnh hỗ trợ 494 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn vốn của các huyện, xã và nhân dân đóng góp. Một số địa phương khối lượng đầu tư lớn như: Chí Linh 1.079 km, Thanh Miện 807km, Kinh Môn 781km...
       Hệ thống giao thông nông thôn đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, không còn tình trạng đường lầy lội, trơn trượt; bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Từ chỗ nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển giao thông nông thôn, đến nay hầu hết đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mình; nhiều đồng chí lãnh đạo xã đã phát huy tinh thần sáng tạo, có nhiều cách làm hay để huy động, kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Quy mô mặt đường, chiều dày kết cấu và vật liệu sử dụng làm đường đã được nâng lên một cách rõ rệt, từ chỗ chỉ sử dụng kết cấu và vật liệu chịu lực kém như mặt đường gạch nghiêng, xỉ lò, đã chuyển sang sử dụng mặt đường nhựa, mặt đường bê tông xi măng có chiều rộng từ 2,5m đến 3m, dày từ 16cm đến 20cm. Cá biệt một số địa phương đã mạnh dạn làm đường lớn hơn tiêu chuẩn có quy mô mặt đường từ 4m đến 5m. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân nhờ đó có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động vào xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong giai đoạn từ năm 2001 – 2011, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 1.143.000m2 đất các loại; nhiều địa phương, người dân tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, hàng rào hiến hàng trăm mét vuông đất ở để làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh việc hiến đất làm đường, nhân dân các địa phương còn đóng góp hàng triệu ngày công; vận động các tổ chức, cá nhân và những người con quê hương đóng góp tiền bạc, công sức chung tay xây dựng quê hương. Trong 10 năm, đã vận động các tổ chức và cá nhân hỗ trợ trên 140 tỷ đồng, có những tổ chức cá nhân hỗ trợ số tiền lớn như: Ông Vũ Văn Hồng, hỗ trợ xã Tân Hồng, huyện Bình Giang 4,7 tỷ đồng để xây dựng 1,2 km trục đường xã với mặt đường rộng 10m; Công ty TNHH Nhất Ly (ông Hoàng Nhân Thanh) hỗ trợ xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà 4,2 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn...Điển hình các xã có phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn phát triển mạnh: Kiến Quốc, Vĩnh Hoà, Nghĩa An (Ninh Giang); Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ); Quang Minh (Gia Lộc); Tân Trào, Ngô Quyền (Thanh Miện); Cẩm Sơn (Cẩm Giàng); Ái Quốc (thành phố Hải Dương); Hợp Tiến (Nam Sách); Hoàng Tiến, Chí Minh (thị xã Chí Linh); Thăng Long, Thượng Quận (Kinh Môn); Cổ Dũng (Kim Thành); xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang)...
       Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Hải Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 trong phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2001-2010; Bộ Giao thông vận tải tặng 3 Cờ thi đua và 11 bằng khen. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn của tỉnh ta trong những năm qua; đồng thời đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với những người làm giao thông vận tải các cấp từ xã, huyện đến tỉnh tiếp tục con đường xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nông thôn mới.
Hải Ninh

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây