Bãi chôn lấp rác xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang.Ảnh: Hải Ninh. Hiện trạng môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm cần phải giải quyết cấp bách. Năm 2010-2011, Dự án "Triển khai mở rộng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương" được thực hiện tại 3 xã trong tỉnh đã tạo được sự chuyển biến lớn trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương.
Theo kết quả điều tra của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương tại 3 xã Cộng Lạc (huyện Tứ Kỳ), Ninh Thành (huyện Ninh Giang) và xã Hưng Thịnh (huyện Bình Giang), nguồn phát thải gây ô nhiễm xuất phát từ chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất. Trong đó, chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ở các cơ sở chưa được xử lý triệt để (mới xử lý đạt 20-30%), phần còn lại xả thẳng ra môi trường; chất thải đồng ruộng xử lý đạt 50%, đặc biệt, ,lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật hầu như không được xử lý. Một số cơ sở công nghiệp ở xã Hưng Thịnh còn xả nước thải sản xuất chưa được xử lý triệt để ra môi trường. Việc giải quyết vấn đề môi trường của cộng đồng dân cư còn hạn chế với tâm lý đó là việc của chính quyền chứ không phải của người dân. Vì thế, công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Trước năm 2010, cả 3 xã đều chưa có tổ chức tự quản về môi trường, chưa có quy ước bảo vệ môi trường. Riêng xã Cộng Lạc có quy hoạch bãi rác, các xã còn lại chưa có quy hoạch bãi rác tập trung. Hoạt động vệ sinh môi trường đã hình thành, cả 3 xã đều có nhóm người thu gom rác nhưng chưa có tổ chức cụ thể, tỷ lệ thu gom rác chỉ đạt 20-30%. Hàng năm, hai xã Cộng Lạc và Hưng Thịnh đã đầu tư ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là xã Cộng Lạc (đầu tư 13,6 triệu đồng) để hỗ trợ các hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, vệ sinh công cộng những ngày lễ, tết. Còn xã Ninh Thành chưa có đầu tư cho hoạt động này.
Năm 2010-2011, Dự án "Triển khai mở rộng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương" đã xây dựng được mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, thành lập được 3 nhóm năng suất xanh; 3 tổ tuyên truyền trên địa bàn 3 xã tham gia dự án; xây dựng quy ước bảo vệ môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 -2015. Sau hai năm, Dự án đã kiện toàn và thành lập mới được 14 tổ thu gom rác với tần suất thu gom 1-3 lân/tuần, riêng thị tứ quán Gỏi (xã Hưng Thịnh) tần suất thu gom 7 lần/tuần. Lượng thu gom rác thải đạt tỷ lệ từ 65-75%, tăng từ 10-40% so với năm 2010. Để hỗ trợ các tổ thu gom rác đi vào hoạt động ổn định, Dự án đã đầu tư trang bị 6 xe chở rác chạy bằng ắc quy điện thân thiện với môi trường, hỗ trợ trang bị dụng cụ và bảo hộ lao động, hỗ trợ một phần tiền công cho đội thu gom.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã, các khẩu hiệu treo trên pa nô, các lớp tập huấn, Dự án đã nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng tại các xã tham gia dự án. Người dân đã hình thành được các tập quán sinh hoạt mới trong sản xuất, sinh hoạt cũng như mối quan hệ trong cộng đồng. Bước đầu đã thực hiện được công tác xã hội hoá BVMT tại nông thôn. Công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, tự đóng góp kinh phí vệ sinh môi trường, tỷ lệ người dân đóng góp kinh phí tăng từ 63-66 % (năm 2010) lên 70-72% (năm 2011); môi trường của các xã được cải thiện đáng kể.
Nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải, Dự án đã đầu tư xây dựng được 3 bãi chôn lấp rác đáp ứng đủ tiêu chuẩn của bãi chôn lấp rác thải, có diện tích và vị trí phù hợp với địa hình từng xã. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đầu tư cho mỗi xã 250 cây keo tai tượng để trồng quanh bãi rác. Sau 15 tháng vận hành, lượng rác thu gom ước tính tại xã Hưng Thịnh là 200 tấn, Cộng Lạc: 70 tấn, Ninh Thành: 100 tấn. Bãi rác đi vào hoạt động đã thực sự góp phần giải tỏa bức xúc về ô nhiễm rác thải tại các địa phương, nhất là xã Hưng Thịnh đã chấm dứt việc đổ rác thải bừa bãi tại chân cầu vượt đường 5. Mô hình bãi rác tại 3 xã trở thành địa điểm cho các địa phương trong tỉnh tham khảo và học tập.
Bên cạnh các hoạt động trên, cuốn sách "Cẩm nang kỹ thuật bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương" cũng đã được biên tập và đưa vào phát hành để cung cấp tài liệu về các kỹ thuật, hỗ trợ cho cộng đồng nông thôn kiến thức về quản lý và bảo vệ môi trường.
Để hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nhân rộng, UBND các xã cần tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền giáo dục người dân về sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; hoàn thiện và nâng cao hơn nữa về năng lực quản lý, chỉ đạo, giám sát của nhóm Năng suất xanh; quan tâm trả công đúng mức cho người hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ sở; tổ chức triển khai Kế hoạch Bảo vệ môi trường có hiệu quả; gắn kết hoạt động bảo vệ môi trường với chương trình phát triển kinh tế - xã hội và kết hợp với biện pháp xử lý hành chính tại địa phương. Các mô hình bảo vệ môi trường cần được các cấp địa phương quan tâm giám sát và triển khai nhân rộng để chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện.
Anh Nguyên