Sáng ngày 22/9/2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất thử giống lúa QP5 tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Mô hình được triển khai với quy mô 40 ha tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành và xã Hồng Lạc huyện Thanh Hà trong cả hai vụ xuân và mùa.
Vụ mùa năm 2017, ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức 02 lớp tập huấn tại 02 xa cho gần 200 lượt hộ nông dân, cấp phát trên 400 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa QP5. Mô hình gieo cấy từ ngày 18/6, gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều, gió lớn vào tháng 9 đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, giống lúa QP5 có thời gian sinh trưởng từ 103-105 ngày, khả năng đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh như rầy nâu, bạc lá, cuốn lá, sâu đục thân. Năng suất thực thu của giống lúa QP5 dự kiến đạt khoảng 71-72 tạ/ha, tương đương 2,5 -2,7 tạ/sào, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 27 triệu đồng/ha. So với giống lúa Bắc thơm số 7, mô hình gieo cấy giống lúa QP5 có năng suất cao hơn khoảng 18-19 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 8 triệu đồng/ha. Chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, vị đậm, mùi thơm nhẹ nhưng ti lệ xay sát cao.
Nguyễn Thị Ánh