Sản xuất lúa khoảng chục năm gần đây có xu thể ngày càng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ hóa học, thậm chí nhiều loại thuốc hóa học không rõ nguồn gốc. Điều này ảnh hưởng tới môi trường đất nước, chất lượng sản phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, việc sản xuất lúa theo nguyên tắc hữu cơ hướng tới một nền nông nghiệp sạch, tạo nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn đóng vai trò quan trọng.
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ có hơn 100 hộ dân có diện tích bãi khai thác rươi kết hợp cấy lúa ở ven sông Thái Bình, hội tụ đầy đủ điều kiện đặc điểm của một vùng sản xuất lúa hữu cơ. Vùng sản xuất lúa hữu cơ tại xã An Thanh có những đặc trưng như sau:
Về giống lúa sản xuất: Trong ba năm gần đây, các giống lúa được nông dân gieo cấy chủ yếu là giống lúa địa phương, bao gồm Khang dân, lúa Hom, lúa Dé, lúa Nếp, lúa Thiên Ưu, lúa BC, lúa Tám Xoan, P6… Trong đó, lúa Khang dân là giống lúa chính, chiếm tỉ lệ 44 - 47%, các giống Hom, Dé, Nếp chiếm khoảng 12 – 16%, các giống lúa khác chiếm một phần rất nhỏ.
Về kỹ thuật gieo trồng, các hộ nông dân sử dụng ba biện pháp chính là gieo mạ sân, gieo mạ dược và gieo sạ. Trong đó, phương pháp gieo mạ sân được sử dụng phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ 80%, giúp giảm lượng hạt giống, rút ngắn thời gian lúa ở trên đồng. Một phần diện tích có mực nước lên xuống hàng ngày được nông dân áp dụng biện pháp gieo mạ dược, giúp cây con phát triển cứng cáp, khỏe mạnh phù hợp với cấy ở trên bãi rươi. Ngoài ra, một số hộ nông dân áp dụng biện pháp gieo sạ trực tiếp. Tuy nhiên, với việc gieo vãi, các hộ trồng lúa phải đóng cống nên không thu được rươi trong thời gian đóng cống.
Về kỹ thuật chăm sóc, sản xuất lúa hữu cơ là quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm lúa, gạo không có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật độc hại đối với con người. Vì vậy, kỹ thuật chăm sóc gieo trồng phải đảm bảo hoàn toàn không có hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Việc dọn sạch cỏ dại trên diện tích cấy lúa không được sử dụng thuốc trừ cỏ, mà sử dụng các biện pháp thủ công đòi hỏi nhiều công sức lao động. Phân bón cho lúa hữu cơ là các loại phân chuồng ủ hoai mục từ phân gia súc, gia cầm với số lượng lớn để cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cho cây lúa. Các biện pháp trừ sâu hóa học tuyệt đối không được sử dụng, mà thay bằng biện pháp canh tác, sinh học.
Với việc áp dụng các biện pháp canh tác như trên, năng suất lúa hữu cơ thu hoạch được chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào/năm. Đối với các hộ canh tác lúa trên diện tích bãi khai thác rươi, sản lượng lúa thu hoạch đóng góp một phần nhỏ trong thu nhập của nông dân. Song, lại mang đến lợi ích to lớn đối với việc tạo môi trường sống thuận lợi cho con rươi sinh sản và phát triển, đem đến nguồn thu nhập lớn cho các hộ canh tác vùng đất bãi. Bên cạnh đó, sản xuất lúa còn tạo ra nguồn lương thực hữu cơ, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sức khỏe của người nông dân được đảm bảo. Hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ là đóng góp quan trọng về mặt bảo tồn môi trường.
Việc nghiên cứu, đánh giá tác động của sản xuất lúa – rươi kết hợp là cơ sở để các địa phương tiếp tục tổ chức sản xuất và nhân rộng mô hình nhằm tạo ra sản phẩm nông sản hữu cơ sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Nguyễn Thị Ánh