Mô hình cánh đồng mẫu lớn tiết kiệm chi phí sản xuất lúa

Để tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, huyện Thanh Miện đã sớm triển khai dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Vụ Mùa năm 2014, UBND huyện Thanh Miện xây dựng mô hình “Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thanh Miện” tại xã Hồng Quang. Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn tiết kiệm chi phí sản xuất lúa
Mô hình được thực hiện tại xã Hồng Quang với quy mô 100 ha, trong đó, 80 ha áp dụng một phần tiến bộ kỹ thuật như sử dụng máy làm đất cỡ trung, máy gặt đập liên hợp và 20 ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Các hộ tham gia mô hình cùng gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, áp dụng các biện pháp thâm canh cải tiến trong gieo cấy, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh.
Kết quả mô hình áp dụng một phần tiến bộ kỹ thuật đã làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, thay đổi tập quán từ không bón/bón ít lượng kali chuyển sang bón từ 2-3 kilogam kali/sào, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc áp dụng cơ giới hóa một phần giúp nông dân giảm được công lao động ở khâu nặng nhọc là làm đất và thu hoạch; giảm áp lực thời vụ cũng như hạn chế thất thoát trong thu hoạch. Cũng có những ưu điểm như trên, các hộ áp dụng mô hình đồng bộ cơ giới hóa sản xuất lúa còn giảm được công lao động và chi phí ở khâu gieo mạ, cấy máy. Mật độ cấy thưa đều nên cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại ít hơn giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa cứng, ít bị đổ ngã.
So sánh giữa sản xuất đại trà với mô hình cơ giới hóa một phần và cơ giới hóa đồng bộ sẩn xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn cho thấy: Năng suất lúa của mô hình cơ giới hóa đồng bộ cao hơn từ 4-5 tạ/ha sản xuất đại trà và cao hơn từ 3-4 tạ/ha mô hình cơ giới hóa một phần. Tổng chi phí vật tư mô hình cơ giới hóa đồng bộ thấp hơn mô hình cơ giới hóa một phần là 833 nghìn đồng/ha và thấp hơn sản xuất đại trà là 3,9 triệu đồng/ha.
Anh Hoàng Văn Thỏa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cơ giới hóa xã Hồng Quang so sánh: Với mỗi sào ruộng thu hoạch theo cách thủ công thì tổng chi phí là 280 nghìn đồng (gồm công gặt, công chở lúa và thuê máy tuốt); còn thuê máy gặt thì chỉ có 140 nghìn đồng (gồm tiền thuê máy và công chở thóc). Như vậy, nông dân tiết kiệm được 50% chi phí khi thu hoạch. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp máy cấy mạ khay giúp nông dân thay đổi thói quen cấy dầy đã hạn chế các loại sâu bệnh gây hại cho lúa, giảm tiền thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lúa vẫn đảm bảo bằng hoặc cao hơn so với sản xuất thủ công.
Ông Nguyễn Đình Chiện, Chủ nhiệm HTXDVNN Hồng Quang cho biết: hiện nay xã Hồng Quang đã thực hiện việc dồn ô đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng rất thành công. Nông dân sản xuất trên ruộng lúa nhỏ nhất là 1.000 m2, ruộng lớn là 5.000 m2, là điều kiện rất thuận lợi để đưa các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Việc áp dụng cơ giới hóa các khâu đã thực sự làm lợi cho nông dân, giúp giảm lượng giống từ 2kg/sào xuống còn 1 kg/sào; mật độ cấy thưa giúp cây lúa quang hợp ánh sáng tốt, lúa đẻ nhánh sớm và tập trung, sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế một số loại sâu bệnh như bạc lá, khô vằn và tỷ lệ lúa đổ thấp hơn. Năng suất lúa ước đạt hơn 60 tạ/ha, cao hơn từ 4-5 tạ/ha so với sản xuất lúa không áp dụng biện pháp cơ giới hóa đồng bộ. Các hộ nông dân tiết kiệm được từ 2,5 – 3 triệu đồng/ha chi phí về giống, công gieo mạ, công cấy – gặt, công và tiền phun thuốc bảo vệ thực vật. Xét về hiệu quả kinh tế,mô hình cơ giới hóa đồng bộ cho thu nhập cao hơn sản xuất lúa thông thường hơn 7 triệu đồng/ha.
Kết quả trên càng khẳng định thêm hiệu quả của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở cánh đồng mẫu lớn. Huyện Thanh Miện sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa trong năm 2015, tại những xã đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng.
Anh Nguyên

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây