Nằm ở phía đông nam của tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà được bao quanh bởi các sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Rạng và sông Gùa bồi đắp đã thành đồng bãi phù sa châu thổ. Với 2/3 diện tích đất triều bãi, là môi trường tốt cho các loài thuỷ sinh sinh sống, có giá trị dinh dưỡng cao; đặc biệt là con rươi, con Cáy.
Thanh Hà là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nên một số xã có được nguồn lợi từ con Cáy. Con cáy thường sinh sống ở những vùng nước lợ và đặc biệt nhiều vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Vùng cáy của huyện Thanh Hà tập trung ở các xã: Vĩnh Lập, Hợp Đức, Thanh Cường, Thanh Xuân, Thanh Lang, Thanh Bính, Thanh Hồng với tổng diện tích cáy là gần 950.000 m2 thuộc vùng đất canh tác của 236 hộ gia đình. Sản lượng cáy thu hoạch hàng năm đạt 158 tấn mang lại giá trị 11,8 tỷ đồng cho người dân địa phương.
Người dân Hải Dương nói chung, người dân Thanh Hà nói riêng có rất nhiều loại thực phẩm chế biến từ con Cáy;đặc biệt là món mắm cáy. Trong bữa cơm của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, mắm cáy đem vắt chanh, khuấy đều cho sủi bọt, bỏ chút đường (tùy theo khẩu vị của từng người) dùng để làm món nước chấm rau, thịt rất ngon và hấp dẫn thơm đặc trưng. Ngoài ra, cáy còn là nguyên liệu chế biến các món canh, riêu ăn rất lành, ngon và mát trong mùa hè oi bức.
Xác định giá trị nguồn lợi mang lại từ con cáy, dưới sự chỉ đạo của Đảng, các cấp chính quyền và các nhà khoa học đã có sự quan tâm đặc biệt tới vùng rươi, cáy của tỉnh Hải Dương nói chung và của huyện Thanh Hà nói riêng. Nhằm góp phần để nâng cao giá trị đặc sản địa phương, phát triển tiềm năng vùng rươi của huyện Thanh Hà. UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Thanh Hà triển khai chương trình xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cáy của huyện Thanh Hà.
Như vậy, kể từ nay, con Cáy và các sản phẩm chế biến từ con cáy của huyện Thanh Hà đã được gắn nhãn hiệu tập thể “Đặc sản Cáy Thanh Hà”.
Đinh Thị Bình
Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và SHTT