Khu di tích thờ bà Nguyễn Thị Trị, tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ

Di tích đền thờ bà Nguyễn Thị Trị xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ. Ảnh Duy Cương     Bà Nguyễn Thị Trị còn có tên là Nguyễn Thị Thuyết, người xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nhân dân địa phương thường gọi là bà Bổi Lạng. 
Khu di tích thờ bà Nguyễn Thị Trị, tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ
Thuở nhỏ bà sống cùng mẹ tại địa phương, gia đình nghèo khó chỉ có mấy sào ruộng bạc màu và căn nhà xiêu vẹo. Nhưng vốn bẩm sinh là người thông minh lại có nhan sắc và tiết hạnh. Năm 20 tuổi bà kết hôn với ông Sái Đắc Lộc quê ở Hà Tĩnh, vợ chồng đồng tâm hiệp lực quyết chí làm giàu bằng nghề buôn bán lúa gạo và chăn nuôi gia súc. Nhờ chăm chỉ và gặp thời nên gia đình bà nhanh chóng trở thành người giàu có, ruộng có trên nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa, trâu bò nhiều không đếm xuể. Dân gian ca ngợi gọi là gia đình Tố Phong (nghĩa là không làm quan chức gì mà phú quí). Bà là người sống phóng khoáng, quan tâm đến mọi người và luôn phát tâm công đức làm việc thiện. Bà xứng đáng với lời truyền tụng trong dân gian:
Thứ nhất cô đỏ Thanh Hoa
Thứ nhì Bổi Lạng
Thứ ba Thạch sùng
Ngày nay, tại thôn Đông Phong, xã Bình Lãng còn lưu giữ được một số di tích liên quan đến bà Nguyễn Thị Trị. Trong số các di tích ấy đáng kể nhất là khu lăng mộ của bà. Theo tấm bia tại khu lăng cho biết: Vào cuối đời, bà nhờ Thám hoa Nguyễn Quý Đức, Thượng thư, quốc lão, một nhân vật danh giá đương thời quê ở Đại Mỗ, Từ Liêm soạn giúp vào bia tự sự và phân chia tài sản. Hiện tấm bia này được đặt trong khuôn viên khu lăng mộ. Khu lăng mộ được làm bằng đá xanh ở khu cánh đồng Vông trên diện tích 242 m2. Sách Tứ Kì Phong Vật chí có ghi rõ: thôn Đông, xã Bình Lãng có một ngôi mộ cổ cao 9 thước, dài 7 thước, rộng 5 thước; toàn bằng đá xanh nhẵn bóng như bôi mỡ, phía trước có giường đá và thú bằng đá, phía trái có bia bằng đá khắc bài văn do Từ Thiên tiên sinh tước Liên Quận Công, Thám hoa triều Lê soạn. Hiện nay diện tích khu lăng mộ đã bị thu hẹp nhưng các di vật của khu lăng mộ vẫn được bảo tồn. Trước cửa khu lăng là đôi nghê đá ngồi chầu, nét chạm khắc tinh xảo, nghê cao 80cm (không tính phần bê đá phía dưới). Phía trong là sập đá, sập đá có phần đế rộng hiện đã lún sâu, thân sập cao 31cm, bề mặt sập đá dài 1,98m, rộng 1,40m bên thân có bổ ô trang trí, nhưng hiện nay hoa văn đã mờ, một phần mặt sập đã bị sứt mẻ. Sau sập đá là lăng đá, lăng được làm bằng những phiên đá xanh, ngoài phần đế, thân lăng cao 2 tầng 8 mái, thân và mái được chạm khắc khá tỉ mỉ. Tầng thứ nhất cao 1,5 m, dài 2,48m, mặt trước được chạm ô hộc gồm 10 ô, mặt bên 5 ô. Tầng thứ hai cao 78cm, dài 1,96m, mặt trước được chạm 1 hàng lan can đá trên có khắc chữ vạn bằng Hán tự. Các mặt bên và mặt sau đều chạm bổ ô hộc. Bên trên tầng 2 là mái úp, mái được chạm khắc hoa lá phía trên có đài sen, trên đài có búp sen. Bên trái lăng có tấm bia đá hình tứ trụ, kiểu long đình, bia có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720). Bia cao 1m95, rộng 64cm, diềm và trán bia để trơn, văn bia do Thám hoa Nguyễn Quý Đức người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm soạn, khoảng 2000 chữ do thơ Kính Chủ hiệp sơn khắc dựng bia.
Khu lăng mộ của bà Nguyễn Thị Trị còn khá hoàn chỉnh và đồng bộ, hiện tại tường bao xung quanh đã mất, phần sập đá và lăng đã bị lún nứt vì vậy cần có kế hoạch tu bổ bảo vệ để giữ gìn một di sản của con người từng nổi tiếng trong lịch sử.
Ở cuối làng Đông Phong còn 1 di tích gắn bó với cuộc đời bà đó là khu cố trạch, nơi đây bà đã sống và tiếp đón quan khách, trong đó có cả chúa Trịnh. Sách Tứ Kì Địa dư phong vật chí có chép: vào năm đói, bà thấy người đánh cá nghèo đói bèn thương tình lấy đấu gạo đổi lấy cát sỏi. Không ngờ nó biến thành vàng thế là bà trở thành giàu có. Chúa Trịnh nghe tin liền đến thăm nhà bà, quân sĩ yến tiệc 3 ngày, bát đĩa cốc chén mỗi ngày thay 1 lượt... Những ghi chép trên cho thấy một cách lí giải về sự giàu có của bà, nhưng việc chúa Trịnh đến thăm gia thất của bà và sự tiếp đãi của bà đã chứng tỏ sự giàu có sang trọng của bà Nguyễn Thị Trị. Hiện tại khu đất nền nhà cũ của bà không còn, đã chia cho dân làm nhà, dấu tích còn lại chỉ là khu ao sen và ao chèo. Theo giải thích của các cụ cao tuổi địa phương thì sinh thời đây là khu ao bà thường chèo thuyền dạo chơi ngắm cảnh. Cùng với khu cố trạch, nhà thờ dòng họ Nguyễn vẫn còn, nhà thờ trước có diện tích 304m2 trước cửa có ao to, rộng 700m2, hiện nay nhà thờ đã được tu sửa lại, vẫn giữ nguyên trên nền cũ ngày xưa
Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, nhờ tần tảo buôn bán làm ăn và gặp thời mà bà trở thành giàu có. Vốn có lòng nhân từ, thích bố thí làm việc thiện nên bà đã bỏ nhiều tiền của, ruộng đất cho những vùng quê nghèo khó khăn. Hiện nay tại huyện Tứ Kỳ đi đâu ta cũng bắt gặp lòng hảo tâm của bà với các địa phương, đó là hệ thống cầu đá bắc qua kênh, mương cho nhân dân đi lại thuận tiện mà ngày nay mọi người vẫn truyền lại đó là cầu đá bà Bổi. Theo thống kê, hiện nay ở huyện Tứ Kỳ còn lại 18 cầu đá, bia kí bắc cầu đã thất lạc chỉ còn lại những câu truyện truyền ngôn trong nhân dân. Trong số các cầu đá này có cầu đá Mốt tại thôn Tứ Kì Hạ (tức thôn Mũ) xã Phượng Kỳ, nhân dân vẫn gọi là cầu bà Bổi. Cầu bắc trên đồng làng ra khu vực chùa Khánh Linh, cầu có 5 nhịp dài 7,5 mét, rộng 1,5 mét được đỡ bởi 6 trụ cầu trên các đầu dầm trụ có chạm khắc hoa văn. Hiện tại cầu còn tốt và nhân dân vẫn sử dụng.
Một lần bà đi qua bến Vạn thuộc xã La Tỉnh, thấy câu cầu xưa đã đổ nát, người qua sông phải lội bùn lầy rất bất tiện, họ kêu ca, phàn nàn. Bà liền cho người mua gỗ lim phiến, đóng hai con thuyền, lại lấy Phạm Cân và Đỗ Văn Hạ, người bản xã lái đò, cho mỗi người 5 mẫu ruộng để lấy lộc điền sinh sống chở khách qua sông số ruộng đó được truyền cho những người lái đò công đức về sau. Hiện nay bến đò Vạn vẫn còn, mặc dù đã có cây cầu bê tông bắc ở thượng nguồn cách bến đò gần 1km, nhưng khu vực bến đò vẫn được sử dụng cho các thuyền bè neo đậu và tập kết nguyên vật liệu, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân hai thôn La Tỉnh và Vạn Tải.
Một điều dễ nhận thấy ở bà Nguyễn Thị Trị tức Bổi Lạng đó là những việc làm công đức đều hướng tới việc phục vụ đại đa số nhân dân, bỏ tiền ra bắc cầu, đóng thuyền cho dân đi lại thuận tiện không cầu lợi, danh vị đã làm cho uy tín của bà sống mãi trong dân gian và được truyền từ đời này sang đời khác.
Bà Nguyễn Thị Trị là người phụ nữ nổi tiếng, một thương nhân thành đạt, có tấm lòng nhân từ sẵn sàng làm việc thiện. Những di tích liên quan đến cuộc đời của bà đến nay không còn nhiều duy chỉ có khu lăng mộ là còn khá đồng bộ, nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc đầu tiên cần làm đó là cho tu bổ, nâng cấp khu lăng mộ của bà khang trang hơn, to đẹp hơn, để tương xứng với tài năng và đức độ của bà. Hơn nữa làm được như vậy sẽ tạo ra một điểm nhấn về văn hoá, du lịch làm đà giúp cho xã Bình Lãng vươn lên trở thành một vùng quê giàu đẹp, vững về kinh tế, mạnh về văn hoá đồng thời cũng là cách đền đáp của thế hệ chúng ta với những công lao đóng góp của bà.
Nguyễn Duy Cương
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây