Xã Hoàng Diệu có 9 làng thì tới 4 làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy, hầu hết người dân đều làm nghề đóng giầy dép da. Ngay từ xưa người dân Hoàng Diệu đã có những câu ca dao nói lên nghề truyền thống của làng: "Làng chắm có cây bồ đề/Có giếng tắm mát có nghề giầy da/ Thợ giầy chẳng kém gì ai/ Kém vua Bảo Đại cái ngai bằng vàng".
Làng nghề Giầy da ở xã Hoàng Diệu có cách ngày nay hơn 5 thế kỷ, trước kia nghề giầy da tập trung chủ yếu ở 3 làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm (người xưa gọi là làng Trắm) sau đó lan rộng sang Nghĩa Hy. Ông tổ của nghề giầy da là Nguyễn Thời Trung là tiến sỹ người làng Phong Lâm được cử làm cử làm chánh sứ sang Trung Quốc ông xin nhà vua cho 3 người đi là các vị Phạm Đức Chính, Phạm Thuần Chính và Nguyễn Sĩ Bân làm tổng sứ sang Trung Quốc hàm ý tìm công nghệ về nước truyền dạy cho dân. Qua Hàn Châu Trung Quốc 3 vị đã học được nghề thuộc da đóng giầy, khi về nước các Ngài đã ghi chép thành sách và truyền dạy cho nhân dân. Khi tạ thế nhân dân 4 làng lập đến thờ và Hoàng Diệu là quê hương của ông tổ nghề giầy da Việt Nam.
Trải qua nhiều thế kỷ, trong khi nhiều làng nghề khác bị mai một do quá trình công nghiệp hóa, thì nghề đóng giầy dép da ở xã Hoàng Diệu vẫn có sức sống lâu bền. Theo người dân trong làng nghề thuộc da, đóng giầy dép là một nghề vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, có óc thẩm mỹ và thao tác chính xác, tinh vị, nhạy cảm với những mẫu mới, kỹ thuật mới.
Trong những năm gần đây, nghề giày da ở Hoàng Diệu phát triển, giúp cho hàng chục hộ dân trong làng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt Ở Hoàng Diệu đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, các hộ gia đình đã chú trọng nghiên cứu cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới để tạo đặc trưng riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Cơ sở sản xuất giầy dép da của ông Trương Văn Lâm, thôn Phong Lâm là một trong nhiều cơ sở lớn của xã Hoàng Diệu. Trong xưởng, hơn chục người đang miệt mài làm việc. Mỗi người được phân công làm một công đoạn, cắt da, may, ép mũ, đóng đế... toàn bộ nhân lực trong gia đình được huy động, ngoài ra ông còn thuê 10 - 12 lao động, với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng gia đình ông bán được 2.000 đôi sản phẩm ra thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương và một số tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An...
Ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoàng Diệu cho biết, xã Hoàng Diệu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận "làng nghề giày da truyền thống. Để làng nghề phát triển bền vững, hiện nay, xã đang phối hợp với huyện hoàn tất thủ tục thành lập hội giày da Hoàng Diệu. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện để các làng nghề học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn xã 640 hộ tham gia làm nghề, thu hút hơn 2.000 lao động, làm việc thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, các làng nghề sản xuất khoảng hơn 4 triệu đôi giày, dép da các loại cung cấp cho các thị trường Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa....
Tuy nhiên, làng nghề giầy da Hoàng Diệu cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, các làng nghề giầy da còn sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa tương xứng với tiềm năng của một làng nghề truyền thống; không chủ động nguồn nguyên liệu, đại đa số cá nhân tự liên hệ với các hộ cung ứng nguyên liệu với các hộ cung ứng nguyên liệu ở Phú Xuyên (Hà Tây) hoặc các doanh nghiệp ở Hải Phòng; thị trường tiêu thụ không ổn định; chưa đăng ký thương hiệu riêng cho sản phẩm, vẫn xử lý theo biện pháp truyền thống là gom và đốt, gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường trong xã và dân cư. UBND xã mong muốn các cấp tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển làng như: quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, cần tích cực xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm tham dự triển lãm, hội chợ; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm làng nghề... Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, các cấp, ngành cần tập trung hỗ trợ việc bảo tồn nghề truyền thống qua việc mở các lớp học, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề, đào tạo lao động có tay nghề nhằm sản xuất các sản phẩm có chất lượng.
Hòa Thuận