Đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo nhân lực ngành y tế tỉnh Hải Dương

Tỉnh Hải Dương có tốc độ tăng dân số trung bình hàng năm là 0,31%. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe y tế tương ứng với tốc độ tăng dân số, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phát triển nhân lực y tế như: tăng cường đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, chủ động thu hút bác sĩ, dược sĩ mới ra trường về Hải Dương công tác; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho cán bộ y tế đi đào tạo…
Đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo nhân lực ngành y tế tỉnh Hải Dương

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác y tế của tỉnh Hải Dương vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: điều kiện làm việc và phát triển kỹ thuật hạn chế, thiếu bác sỹ tuyến huyện, xã; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, việc xác định thực trạng và nhu cầu đào tạo liên tục của cán bộ y tế để đề xuất xây dựng mô hình Trung tâm giáo dục sức khỏe là việc quan trọng và cần thiết. Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn trên, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã có đề xuất và được tỉnh Hải Dương phê duyệt thực hiện đề tài “Xác định nhu cầu đào tạo liên tục của nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất mô hình Trung tâm giáo dục sức khỏe tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương”.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã đưa ra những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nhân lực ngành y tế của tỉnh. Trước tiên, đề tài nghiên cứu đã thống kê các kết quả về đặc điểm đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Hải Dương với các đặc điểm: Tỷ lệ nữ từ 65,5% - 81,7%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nam; Nhóm tuổi từ 41-50 và >50 chiếm tỷ lệ cao ở nhóm đối tượng cán bộ quản lý và y tế thôn; Nhóm tuổi 26-30 và 31-40 chiếm tỷ lệ cao ở nhóm cán bộ y tế tuyến tỉnh/huyện/xã, phường. Về trình độ đào tạo, 100% nhân viên y tế thôn có trình độ sơ cấp; 32,6 – 52,1% cán bộ y tế có trình độ trung cấp, tập trung ở nhóm đối tượng cán bộ y tế tỉnh/huyện/xã, phường; trình độ đại học, sau đại học tập trung ở nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ y tế tuyến tỉnh. Về khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, trên 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên y tế đều cho rằng có khả năng đáp ứng yêu cầu và đáp ứng tốt công việc hiện tại. Tỷ lệ còn lại tự đánh giá chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc do nhiều nguyên nhân như: thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn (43,6 – 65%); thiếu trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp 32,5 – 42,9%), 51,3% nhân viên y tế thôn cho rằng nguyên nhân do thu nhập thấp.

Kết quả đánh giá về nhu cầu đào tạo liên tục của nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy: Phần lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở và nhân viên y tế thôn chưa được tập huấn những nội dung liên quan đến công việc đang làm (70,1 – 74,2%); đối với các cán bộ y tế đã tham gi ca các lớp tập huấn, có tới 72,2 – 86,2 % tỷ lệ cán bộ đánh giá tốt về hiệu quả khóa tập huấn. Trên 70% cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, phường, thôn có mong muốn tham gia các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Các nội dung kiến thức mà đội ngũ nhân lực y tế mong muốn được tập huấn bao gồm: Kỹ năng lãnh đạo và quản lý nhân lực, quản lý chất lượng, lập kế hoạch; Nghiệp vụ quản lý thuốc, hướng dẫn bệnh nhân, cộng đồng sử dụng thuốc, quản lý thị trường thuốc; Kỹ năng hồi sức cấp cứu, sử dụng trang thiết bị, kỹ năng giao tiếp ứng xử; Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; Các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình; sơ cấp cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường.

Về hình thức và thời gian tập huấn, qua khảo sát cho thấy thời gian tập huấn phù hợp nhất là từ 1-3 ngày; hình thức đào tạo trực tiếp; địa điểm tổ chức tại cơ sở đào tạo (đối với cán bộ y tế tuyến huyện/xã, phường và cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế công lập) hoặc tại đơn vị (đối với cán bộ quản lý y tế tư nhân, cán bộ y tế tuyến tỉnh).

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực trạng như trên, Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương đã đề xuất và xây dựng mô hình Trung tâm Giáo dục sức khỏe đa ngành và cộng đồng tại trường, có tên viết tắt là CRHE, với sứ mệnh, tầm nhìn, nội dung, nhiệm vụ và cơ chế điều hành hoạt động phù hợp. Hai trọng tâm hoạt động của CRHE là: Cung cấp đào tạo liên ngành cho tất cả các nhà chuyên môn và cán bộ y tế khác trong hệ thống y tế Việt Nam; Triển khai các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe, đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe của cộng đồng. Đây là mô hình đầu tiên được đề xuất đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn, quản lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng với định hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng. Mô hình gắn phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu và phục vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh và cộng đồng.

GS.TS Phạm Duy Tường, Viện Đại học Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội đánh giá: “Đây là công trình khoa học có tính ứng dụng cao, cung cấp số liệu cơ bản làm cơ sở khoa học cho các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Hải Dương. Công trình đề xuất mô hình đào tạo liên tục, đa ngành khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi đánh giá cao ý nghĩa khoa học của công trình này, cũng như ý nghĩa thực tiễn trong phát triển nguồn lực y tế chất lượng toàn diện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội.”

Anh Nguyên


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay47,243
  • Tháng hiện tại1,072,447
  • Tổng lượt truy cập3,777,651
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây