Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Đặc điểm lâm sàng, tính nhạy cảm kháng sinh và phân bố typ huyết thanh của vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae và Heamophilus Influenzae phân lập được trong viêm phổi cộng đồng ở trẻ em” dưới 5 tuổi. Đề tài do Ths. Lê Thanh Duyên, Bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2014 - 2015.
Viêm phổi cộng đồng là viêm phổi do trẻ mắc phải ngoài cộng đồng trước khi đến bệnh viện. Trên thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 155 triệu trẻ em mắc viêm phổi và có trên 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi. Tại Việt Nam, viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Nguyên nhân gây ra viêm phổi thường do vi khuẩn, vi - rút và ký sinh trùng. Đối với vi khuẩn thì S.pneumoniae và H.influenzae là hai nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi và tử vong ở trẻ em nhập viện. Tuy nhiên S.pneumoniae và H.influenzae ngày càng trở nên kháng kháng sinh do tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan như hiện nay. Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài nghiên cứu trên nhằm đưa ra phác đồ điều trị viêm phổi thích hợp cho trẻ em tỉnh Hải Dương, cung cấp thêm tư liệu cho ngành y tế quốc gia.
Nghiên cứu được thực hiện trên quy mô 455 bệnh nhi viêm phổi trong độ tuổi từ trên 1 tháng đến 5 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Nhi Hải Dương. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định các đặc điểm lâm sàng viêm phổi ở trẻ em từ trên 1 tháng đến 5 tuổi. Độ tuổi mặc bệnh viêm phổi trẻ em hay gặp nhất ở lứa tuổi dưới 1 tuổi, với tỉ lệ 58,9%. Tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn bé gái (59,3% ở bé trai, 40,7% ở bé gái). Viêm phổi ở mùa hè chiếm tỉ lệ cao hơn (chiếm 42,4%). Các trẻ bị viêm phổi thường có sức đề kháng yếu, có thể mắc bệnh nhiều lần; trong 455 trẻ viêm phổi nghiên cứu có 77 trẻ đã từng mắc viêm phổi (chiếm 16,9%), 14 trẻ đẻ non (chiếm 3,1%) và một số bệnh mạn tính khác. Trẻ viêm phổi có thời gian nằm viện điều trị trung bình là 7 ngày, ngắn nhất 1 ngày, dài nhất là 45 ngày. Kết quả điều trị viêm phổi trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh cho thấy: 91,6 % tỷ lệ trẻ khỏi bệnh và 0,9% tỷ lệ trẻ tử vong, còn lại là các trường hợp chuyển tuyến, xin ra viện. Liên quan đến bệnh viêm phổi, nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài còn đưa ra một số kết quả về đặc điểm nuôi dưỡng, tiêm chủng và sử dụng kháng sinh. Đó là có 13,2% trẻ mắc bệnh viêm phổi không được nuôi bằng sữa mẹ; 20% trẻ mắc bệnh viêm phổi chưa được tiêm phòng vắc xin H.influenzae có trong thành phần vắc xin tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin 5 trong 1. Tỷ lệ trẻ có sử dụng kháng sinh trước khi vào viện chiếm 71,2%; song có tới 31,8% số trẻ sử dụng kháng sinh không theo khám bệnh kê đơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, sẽ sinh ra các chủng vi khuẩn ngày càng kháng thuốc trong những lần điều trị sau.
Viêm phổi biểu hiện ở các triệu chứng lâm sàng là ho có đờm, khò khè, phổi ran ẩm, nổ, nhịp thở nhanh và co rút lồng ngực; các biểu hiện cận lâm sàng phát hiện qua xét nghiệm huyết học, hóa sinh và chụp X-quang. Nguyên nhân gây viêm phổi cao nhất là H.influenzae chiếm 24,4%, tiếp theo là S.pneumoniae chiếm 15,2%. Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu tính nhạy cảm kháng sinh, phân bố typ huyết thanh của hai loại vi khuẩn trên để có cơ sở khoa học đưa ra phác đồ điều trị viêm phổi thích hợp. Đối với S.pneumoniae, kháng sinh điều trị hiệu quả là Penicillin, Amoxicillin, Amoxicillin-Clavulanic, Vancomycin, Cefotaxime, Chloramphenicol. Đối với H.influenzae kháng sinh điều trị hiệu quả là: Cefotaxime, Imipenem, Chloramphenicol.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài đã bước đầu góp phần định hướng cho việc lựa chọn kháng sinh điều trị ban đầu bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em. Việc tìm được hướng điều trị thích hợp sẽ rút ngắn thời gian điều trị tại bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong, giảm chi phí y tế, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh của các vi khuẩn – là thực trạng cấp thiết của ngành y tế hiện nay. Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên của tỉnh Hải Dương về đặc điểm lâm sàng của bệnh nhi dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm phổi cộng đồng, cung cấp những tư liệu quý cho ngành y tế Hải Dương cũng như y tế của quốc gia về lĩnh vực cấp thiết này.
Nguyễn Thị Ánh