Ngày 9/12, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc chủng cúm mới. Thông tin trên được ông Bình đưa ra sau khi có thông tin 3 bệnh nhân ở Mỹ mắc chủng cúm mới S-OtrH3N2 vừa được phát hiện ở nước này.
Xuất hiện chủng virus cúm mới
Vừa qua, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã có thông báo tại bang Lowa của nước này ngày 23/11 đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm chủng virus cúm mới được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn.
Thông tin trên đã khiến không ít người dân hoang mang và lo ngại về sự bùng phát của một chủng virus cúm mới ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm, đặc biệt là virus cúm A/H5N1 với virus A/H3N2, A/H1N1 hay virus cúm ở heo tạo ra tuýp mới có độc lực cao, lan truyền mạnh trên người hay động vật có vú.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia dịch tễ học tại Việt Nam lo ngại, do nước ta "sẵn có" nhiều chủng virus cúm đang lưu hành và gây bệnh như: cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, cúm B... Vì vậy, nguy cơ tái tổ hợp ra loại cúm mới, gây dịch là rất cao.
Các chuyên gia y tế lo ngại loại cúm này cũng lây lan qua đường hô hấp và lây lan dễ dàng từ người sang người, hệt như cúm A/H1N1 năm 2009 thì hậu quả của nó khó lường.
Chủ động phòng, chống dịch cúm mới
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong tháng 11, trên phạm vi cả nước có 25 trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có trường hợp tử vong.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm nay cả nước có tổng cộng 759 trường hợp mắc cúm A/H1N1, 17 trường hợp tử vong.
Như vậy, tại Việt Nam, dịch cúm vẫn đang tồn tại và có thêm nhiều ca mắc mới mỗi tháng. Để kịp thời phòng chống, vừa qua Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt, hội chứng cúm đến từ khu vực có dịch.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng có liên quan cần tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại cộng đồng.
Đối với những điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, cần thường xuyên theo dõi phát hiện sớm các thay đổi và sự lưu hành của virus cúm; cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời...
Hiện nay, các vắcxin cúm có mặt tại Việt Nam chỉ là vắcxin phòng bệnh cúm thông thường hay gặp trên người, được gọi là bệnh cúm theo mùa như cúm A/H3N1, H3N2, H1N1.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, việc tiêm ngừa những vắcxin cúm này cũng rất cần thiết, bởi ngoài tác dụng phòng ngừa hiệu quả bệnh cúm thông thường, nó còn góp phần ngăn chặn việc tạo ra biến chủng của virus cúm gia cầm A/H5N1 cũng như loại cúm mới nhiều độc lực do tái tổ hợp.
Theo Việt Nam+