Thời gian gần đây, người dân ở nhiều địa phương kháo nhau về một loại bếp "thần", vừa tiết kiệm năng lượng, vừa thân thiện với môi trường. Qua tìm hiểu được biết, chủ nhân của chiếc bếp ưu việt trên là anh Bùi Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thảo Nguyên.
Từ Hà Nội, chúng tôi tìm về phường Thanh Miếu (TP. Việt Trì - Phú Thọ) để "mục sở thị" chiếc bếp hóa khí mà người dân gọi là bếp tia hồng ngoại hay bếp "thần". Trái với suy nghĩ của chúng tôi về một người sáng chế, chắc cũng phải tầm kỹ sư trở lên, anh Tuấn chỉ là một thợ cơ khí.
Cũng như bao miền quê khác, người dân xã Trưng Vương quê anh Tuấn vẫn thường vứt rơm rạ, thân cây ngô, vỏ trấu, mùn cưa, phoi bào... bừa bãi hoặc đốt bỏ, gây khói bụi mù mịt, làm lãng phí nguồn nhiên liệu quý giá. Một lần về quê, chứng kiến cảnh đó, anh Tuấn chợt nảy ra ý nghĩ: "Tại sao mình không biến những phế thải đó thành nguồn năng lượng sạch, đem lại hiệu quả cho người nông dân". Từ đó, anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo nên một loại bếp thân thiện với môi trường, sử dụng khói làm nhiên liệu.
Sẵn có nghề cơ khí trong tay, năm 2007, anh bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Ban đầu, sản phẩm thiết kế ra còn mắc nhiều lỗi, nhưng anh không nản lòng. Qua nhiều lần cải tiến, thử nghiệm, năm 2010, những chiếc bếp hoá khí mang thương hiệu PRAIRIE đã ra đời, được người tiêu dùng đánh giá cao bởi bếp có thiết kế ưu việt, độ bền cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Từ những tín hiệu tốt đó, anh đưa vào sản xuất đại trà, sản phẩm làm ra tiêu thụ không kịp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, anh Tuấn đã xuất xưởng 2.000 chiếc bếp hoá khí.
Anh Tuấn cho biết: "Loại bếp này có thể chưa thay thế được bếp gas trong các gia đình ở thành thị, nhưng ở các vùng nông thôn, người dân sẽ tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp tại chỗ, đồng thời tiếp cận phương pháp sử dụng nhiên liệu một cách khoa học, tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường".
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, nhất là vùng nông thôn, ngoài xưởng sản xuất chính đặt tại TP. Việt Trì, anh Tuấn còn mở thêm xưởng sản xuất vệ tinh ở Nam Sách (Hải Dương); Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm bếp hóa khí PRAIRIE đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền ngày 20/1/2011.
Anh Tuấn cho hay, bếp hoá khí được cấu thành bởi các bộ phận là thùng nhiên liệu, bếp, thiết bị lọc sạch, đường ống; hoạt động dựa trên nguyên lý khí động học, thuỷ động học, truyền nhiệt học, lợi dụng hoá khí hoàn toàn giữa không khí và hơi nước, kéo dài thời gian đốt mà không có khói tro và muội than, không đen đáy nồi. Với thiết kế lớp chịu lửa bên trong là ruột chịu lửa chuyên dụng, bếp có tuổi thọ từ 10 - 20 năm, giá bán bình quân 2 - 3 triệu đồng/chiếc.
Theo anh Tuấn, việc sử dụng bếp cũng rất đơn giản, chỉ việc bỏ nhiên liệu vào thùng đốt, sau 3 phút là có thể sử dụng. Thực tế cho thấy, nếu cho 2kg nhiên liệu thì có thể đốt trong khoảng 3 giờ; nếu cho 10kg nhiên liệu chỉ cần đốt một lần, sau khi dùng xong, tắt quạt, đóng van ủ thì có thể dùng được 7 ngày tiếp theo. Thông thường, cứ 2 - 3 ngày nạp nguyên liệu/lần, chủ yếu là trấu, rơm, rạ, mùn cưa, vỏ bào, bã mía...; 5 - 7 ngày xả tro/lần, gia đình bình thường chỉ cần 2 - 3kg nguyên liệu là đáp ứng đủ nhu cầu đun nấu thường nhật.
Bếp có ưu điểm là đốt cháy không có ngọn lửa, đáy nồi không bị hun đen, không sinh khói, khí thải, tiết kiệm 80% chi phí so với các loại bếp khác.
Hiện, xưởng sản xuất chính của anh Tuấn đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tới đây, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu nén khí vào bình nén giống như bình gas; sản xuất những chiếc bếp sinh thái loại lớn dùng cho sấy chè hoặc vận hành nồi hơi; tạo điều kiện cho hộ nghèo có thể tiếp cận sản phẩm bếp hoá khí như giảm giá thành, hướng dẫn người dân thay đổi vật liệu làm thùng đốt từ thép sang gạch hoặc bê tông.
Đánh giá về bếp hoá khí PRAIRIE, ông Đặng Việt Phương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Thọ cho biết: "Bếp hóa khí là sản phẩm có tính ứng dụng thiết thực, phù hợp với địa bàn nông thôn do tận dụng được phế thải nông nghiệp, tiết kiệm chi phí chất đốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Nguồn: Báo Kinh tế nông thôn