Hàn Quốc- quốc gia đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 52,4 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2021; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 38,2 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ.Về đầu tư, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn đầu trong tổng số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, với khoảng 9.200 dự án đầu tư nước còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký khoảng 80 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai trên tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có khoảng trên 80% là vốn mở rộng từ những dự án hiện hữu. Đây là điểm vô cùng tích cực, điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và họ muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, mức lạm phát cao và đồng Won xuống thấp kỷ lục so với đồng USD đã ảnh hưởng tới tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Cùng với đó là dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và các bất ổn địa chính trị tại một số nơi trên thế giới gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là một trong những vấn đề chính tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.
Còn nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.
Để xúc tiến thương mại hiệu quả với thị trường Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc lưu ý các doanh nghiệp Việt cần chú ý tới biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hàn Quốc. Các cơ quan chức năng cũng như hiệp hội cần đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ phân tích thị trường, sản phẩm đối với một số sản phẩm cụ thể; hỗ trợ doanh nghiệp Việt marketing trên các nền tảng mảng xã hội.
Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping... nhằm tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket… nhằm từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.
Cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác, đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản Việt để xuất khẩu sang Hàn Quốc; tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng phù hợp tại các địa phương lân cận với các dự án đầu tư lớn của Hàn Quốc để đón làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Hàn Quốc sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tận dụng hiệu quả lợi ích của các FTA mà Việt Nam và Hàn Quốc tham gia ký kết-Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc.
Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già; xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG.
Bởi vậy, để tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
“Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hàn Quốc để tìm hiểu và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường”- Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc lưu ý.
Nguồn: VietQ.vn