Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bắc Giang vừa tổ chức lớp đào tạo cho cán bộ quản lý về đo lường đối với các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế.
Đo lường trong lĩnh vực y tế hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của con người, đo lường là quá trình phổ biến trong các hoạt động phòng ngừa, chấn đoán và điều trị.
Vai trò đảm bảo đo lường chính xác trong y tế rất quan trọng. Nếu các kết quả đo lường thông qua các hoạt động chụp hình ảnh, xét nghiệm,... không chính xác. Kết quả thu được sẽ khó có thể chấn đoán được chính xác hoặc sẽ đưa ra pháp đồ điều trị không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Dẫn đến, sẽ có quá trình điều trị sai, gây ra tốn kém cho bệnh nhân. Do đó, đảm bảo đo lường chính xác trong lĩnh vực y tế là hết sức quan trọng
Thông tin thêm về đo lường trong lĩnh vực Y tế, ông Bùi Khái Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, tầm quan trọng của trang thiết bị y tế (TTBYT) trong việc quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế. Trong khi đó, việc nắm bắt quy định pháp luật về đo lường của một số cán bộ được giao quản lý các thiết bị đo trong lĩnh vực y tế còn hạn chế; chưa thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát về đo lường. Nguyên nhân là do một số cán bộ quản lý phương tiện đo còn chưa chủ động trong việc tìm hiểu quy định pháp luật về đo lường.
Trước thực tế trên mới đây Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam (ĐLVN) tổ chức lớp đào tạo cho cán bộ quản lý về đo lường đối với các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế năm 2022.
Mục đích của lớp đào tạo này nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về hoạt động quản lý đo lường đối với các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế.
Thông qua lớp đào tạo các học viên được lắng nghe giảng viên Viện Đo lường Việt Nam giới thiệu tổng quan về đo lường và quản lý đo lường; nội dung và các biện pháp quản lý đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sự cần thiết của kiểm soát đo lường TTBYT; hiện trạng và công tác kiểm soát đo lường TTBYT tại Việt Nam; định hướng công tác đảm bảo đo lường TTBYT của Viện ĐLVN và một số TTBYT cần được kiểm soát đo lường.
Ngoài ra, thông qua lớp đào tạo, các học viên được tiếp thu đầy đủ những kiến thức cơ bản về đo lường học; kiểm soát, quản lý đo lường trong lĩnh vực y tế; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý phương tiện đo tại các cơ sở của mình.
Đại diện Viện Đo lường Việt Nam cho biết, hiện nay Viện đã xây dựng được 22 chuẩn đo lường quốc gia cho 11 lĩnh vực đo lường. Thời gian tới, Viện sẽ triển khai Đề án 996, theo đó 33 ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng tâm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025.
Nguồn: Theo VietQ.vn