Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, cân bằng hệ sinh thái, con người; dựa trên các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học, thích nghi với điều kiện địa phương; không sử dụng vật tư đầu vào có hại như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón hóa học, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp, thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hóc môn; kết hợp canh tác truyền thống với đổi mới và khoa học công nghệ có lợi cho môi trường, thúc đẩy các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống của con người và các bên có liên quan.
Hoặc nói một cách khác để nhận biết cụ thể hơn khi thực hành hữu cơ: Sản xuất hữu cơ là quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ về nước tưới, đất không bị ô nhiễm; không sử dụng các vật tư đầu vào là phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và các thuốc kích thích sinh trưởng bằng hóa chất; không dùng giống cây trồng, vật nuôi và nguyên liệu có nguồn gốc là sinh vật biến đổi gen (GMO). Do vậy sản xuất hữu cơ là sản xuất cho sản phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất thân thiện với môi trường.
Theo thống kê của FIBL (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, diện tích nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của thế giới có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua. Năm 2016, diện tích NNHC mới chỉ đạt 57,8 triệu hecta; năm 2017, diện tích đất canh tác NNHC đạt 69,9 triệu ha; đến năm 2021 diện tích NNHC đã đạt trên 71 triệu ha, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích đất canh tác. Năm 2010, toàn thế giới mới có 160 nước được chứng nhận có sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu là đất trồng cỏ kết hợp chăn thả đại gia súc. Ngoài ra là diện tích sản xuất NNHC với các đối tượng cây trồng khác: cây trồng câyhàng năm (ngũ cốc, lúa gạo); cây rau màu; cây lâu năm (cà phê, ô – liu, cây lấy hạt có dầu). Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thuỵ Sỹ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (274 Euro/đầu người/năm).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu vào cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ với những bước tiến vượt trội. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh. Những nước dẫn đầu thế giới về canh tác nông nghiệp hữu cơ có thể kể đến là: Ấn Độ, Uganda, Mexico, quần đảo Falkland (lãnh thổ hải ngoại Anh), Úc, Argentina, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức. Trong đó, Úc là nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn nhất (35,6 triệu ha), tiếp theo là Argentina (3,4 triệu ha) và Trung Quốc (3,0 triệu ha).
Ở Úc, Hội Nông nghiệp hữu cơ (OAA) có vai trò quan trọng trong việc kết nối những người trồng hữu cơ. Sản xuất hữu cơ được áp dụng nhiều trong các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn. Nông dân được hướng dẫn tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng phụ phẩm của sản phẩm hữu cơ của ngành này phục vụ đầu vào cho ngành khác. Việc phát triển thị trường tiêu thụ hữu cơ rất đa dạng. Mỗi vùng trồng, nuôi hữu cơ đều có phiên chợ cuối tuần (chợ farm) để cho người trồng hữu cơ mang sản phẩm ra bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người mua và người bán có dịp trao đổi với nhau về sản phẩm mình làm ra, từ đó giúp tăng lòng tin. Nhiều người tiêu dùng đã đến thăm các trang trại của nông dân làm hữu cơ. Các siêu thị trưng bày riêng một góc hàng hữu cơ và các cửa hàng bán lẻ, các quán cà phê, nhà hàng bán sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ. Chính vì vậy sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ nhiều hơn, giá mặt hàng hữu cơ ít bị biến động, trong khi giá các mặt hàng không chứng nhận luôn dao động.
Ở Trung Quốc, với mối quan tâm ngày càng tăng về an toàn thực phẩm, thực phẩm hữu cơ đã trở thành lựa chọn phổ biến cho người dân địa phương và người nước ngoài ở một số thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh. Các sản phẩm rau củ quả hữu cơ không chỉ có trong các siêu thị, cửa hàng mà còn đến với các nhà hàng. Các nhà hàng chất lượng cao sử dụng sản phẩm hữu cơ từ trang trại để phục vụ cho khách hàng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Trang trại sản xuất sản phẩm hữu cơ thực hiện tuân thủ các tiêu chí thực phẩm sạch: có các khu vực trộn phân bón và phân bón tự nhiên của riêng trang trại, sử dụng một số loại thuốc trừ sâu sinh học tự nhiên được phê duyệt cho canh tác hữu cơ bởi các cơ quan công nhận, ...
NNHC và thực phẩm hữu cơ đã và đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, kể cả nước phát triển và nước đang phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua. Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM) cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của NNHC đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái; sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả.