1- Mục tiêu:
- Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm 2 giống lạc mới L23, L24 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
- Hoàn thiện qui trình thâm canh 2 giống lạc mới L23, L24 được sản xuất thử nghiệm tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
2- Kết quả:
Qua 2 vụ sản xuất thử giống lạc L23, L24 trong vụ xuân, vụ thu đông 2009 tại 3 HTX Nông nghiệp Chi Đoan xã Cộng Hoà (Nam Sách), HTX DVNN xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) cho kết quả sau:
- Đã xây dựng được mô hình sản xuất thử nghiệm 2 giống lạc mới L23; L24 tại huyện Chí Linh và Nam Sách với qui mô vụ xuân là 20ha (trong đó 15ha giống lạc L23; 5ha giống lạc L24); vụ thu đông 20 ha (trong đó 19ha giống lạc L23; 1 ha giống lạc L24); đề tài mở rộng được 10 ha giống lạc L23 trong vu thu đông.
- Giống lạc L23, L24 sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai và canh tác của địa phương, có số cành cấp I cao hơn giống TH116, cây đứng, lá xanh đậm, khả năng chống chịu bệnh khá, số quả chắc trên cây cao, cho năng suất cao hơn giống TH116.
- Bước đầu hoàn thiện qui trình kỹ thuật thâm canh 2 giống lạc mới L23; L24 tại Hải Dương. Đánh giá được hiệu quả kinh tế của mô hình so với giống đối chứng tại địa phương.
- Đã tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân với 378 đại biểu tham dự, tổ chức hội nghị đầu bờ, tuyên truyền trên đài truyền hình tỉnh, trên tạp chí khoa học, trang web của tỉnh.
3- Khả năng ứng dụng và mở rộng:
Qua thực hiện mô hình sản xuất thử 2 giống lạc L23, L24 trong 2 vụ đã khẳng định được ưu thế của giống lạc L23 về khả năng chống chịu và cho năng suất cao hơn được người sản xuất chấp nhận và đã mở rộng diện tích trong vụ xuân 2010. Còn giống lạc L24 chưa thể hiện tính vượt trội lớn nên tiếp tục sản xuất thử trong một vài vụ tiếp theo để đánh giá năng suất của giống và tính thích nghi với điều kiện canh tác của tỉnh.
Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Đình Xuân
Chức vụ hiện tại: PGĐ Trung tâm Ứng dụng TBKH Hải Dương
Thời gian thực hiện: 2009