Qua lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, các đại biểu cho rằng, mức phạt gấp 5 lần so với dự thảo luật là quá nhẹ. Một số đại biểu đề nghị nên nâng mức xử phạt lên từ 20 đến 50 lần số tiền thu lợi bất chính của cá nhân, tổ chức. Chiều 4-10, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp bàn, thảo luận về dự án Luật Đo lường. Các ý kiến tập trung vào chế tài xử lý vi phạm hành chính trong sai phạm đo lường.
Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, qua việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội (43/50) cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe nên cần nâng cao hơn nữa. Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính.
Các đại biểu cho rằng, chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường.
Đặc biệt, để việc xử phạt có tác dụng răn đe, các đại biểu đề nghị sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng. Có như vậy mới có thể ngăn chặn các trường hợp tái phạm.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc tính toán số tiền thu lợi bất chính trong đo lường cần quy định rõ hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cần quy định cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi, mức độ vi phạm, đặc biệt là đối với trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.
Tại phiên họp chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, để chứng minh được tổng số tiền thu lợi từ gian lận không phải là dễ, vì rất khó biết được là hành vi gian lận bắt đầu từ khi nào và kéo dài bao lâu. Còn nếu chỉ chứng minh được 1 lần vi phạm thì cho dù có phạt nhân lên gấp 5 lần thì số tiền phạt vẫn là quá thấp so số tiền gian lận.
Còn quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, mức phạt hành chính áp dụng trong dự luật chỉ nên áp dụng với số lần vi phạm dưới 5 lần. Còn khi đã vượt quá 5 lần vi phạm thì không nên phạt hành chính, mà cần xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, về phía Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, hiện đã có pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nên không nên đưa thêm việc xử lý vi phạm vào dự luật. Nếu thấy rằng chưa đầy đủ, ông Dũng đề nghị bổ sung điều khoản ở Pháp luật Xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị không nên đưa xử phạt hành chính vào dự luật, hoặc có đưa thì không nên đưa chi tiết. “Có những trường hợp nếu áp dụng Pháp luật Xử phạt vi phạm hành chính còn nặng hơn đưa ra xử trước tòa” - ông Phước nói.
Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các thành viên UBTV đều cho rằng cần thiết phải ra đời Luật Đo lường, bởi hiện tại, từ kinh doanh xăng dầu đến vàng bạc, hàng hóa khác đều xảy ra nhiều vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, xem xét cho thấy dự luật vẫn còn một số bất cập, cần bổ sung và sửa chữa trước khi trình Quốc hội bàn bạc và thông qua.
Theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề cập đến việc dự luật chưa có những quy định cụ thể nào về các vấn đề có sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Điểm này sẽ là trở ngại khi xử lý những vấn đề vi phạm trong bối cạnh giao thương rộng rãi như hiện nay.
Theo báo cáo của Ủy ban KH – CN & MT, Luật Đo lường ra đời nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động đo lường, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự.
Cùng với sự cần thiết ra đời Luật Đo lường, một chế tài xử lý nghiêm khắc cũng như cơ chế giám sát thực sự chặt chẽ là không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh chung của cả nền kinh tế, để những vụ việc như cây xăng gian lận trong đong đếm, hay những doanh nghiệp đóng gói sẵn hàng tiêu dùng gian lận về trọng lượng… sẽ không tiếp tục diễn ra phổ biến như hiện nay, khiến dư luận nhân dân bức xúc, cũng như sẽ công bằng hơn đối với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Viet Bao (Theo Vnmedia)