Một số tiêu chí cần thiết khi lựa chọn cân ô tô

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất Việt Nam bắt đầu chú trọng đến quản lý, giao nhận hàng hoá thông qua khối lượng thực tế như các nước trên thế giới. Việc giao nhận thông qua khối lượng hàng hoá như: vật tư, xăng dầu, xi măng, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi … được quy chuẩn nhằm tránh tình trạng thất thoát trên đường vận chuyển và các vấn đề rắc rối phát sinh giữa hai bên giao nhận khi không cùng phương tiện đo. Công cụ đo khối lượng chính tại các doanh nghiệp chính là cân ôtô chuyên chở vật tư vào, ra.
Thông qua các cân ôtô đã được tin học hoá, các doanh nghiệp luôn nắm bắt một cách chính xác và nhanh nhất khối lượng hàng hoá luân chuyển và tồn kho tại thời điểm hiện tại. Việc trang bị cân tại các đầu mối giao nhận là tất yếu. Các thủ tục giao nhận giữa người mua và người bán bắt buộc phải thông qua khối lượng. Trong đàm phán thương mại, một trong các yêu cầu của chủ hàng là được biết tình trạng cân tại đơn vị hiện tại có đảm bảo năng lực và độ chính xác không.
Việc sử dụng cân ô tô điện tử trên địa bàn tỉnh Hải Dương tương đối phổ biến tại các đơn vị sản xuất xi măng, sản xuất thức ăn chăn nuôi.. số lượng cân ô tô điện tử khoảng hơn 50 chiếc. Để các đơn vị đang sử dụng hoặc chuẩn bị mua cân ô tô nắm rõ các yếu tố gây ảnh hưởng đến sai số đo lường trong quá trình thực hiện phép đo, tôi xin trao đổi một số tiêu chí khi lựa chọn cân ô tô tốt như sau:
1. Kiểu cân, loại cân:
Hiện có 3 kiểu cân ô tô chính là kiểu cân nổi (Pitless Type), kiểu cân chìm (Pit Type) và kiểu cân nửa chìm (Semi Pit Type).
hinhcanchomnoi
Thông số kỹ thuật chính 3 kiểu cân này như sau:
Cân nổi (Pitless Type)
Cân chìm (Pit Type)
Cân nửa chìm (Semi Pit Type)
- Dễ dàng vệ sinh, lắp đặt hiệu chỉnh và sửa chữa.
- Chiếm nhiều diện tích (do có 2 dốc lên xuống cân)
- Chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường (gió, nhiệt độ…)
- Thoát nước tốt.
- Tính thẩm mỹ kém hơn.
- Chi phí móng cân thấp.
- Khó vệ sinh, lắp đặt hiệu chỉnh và sửa chữa.
- Chiếm ít diện tích.

- Chịu ảnh hưởng của môi trường (gió, nhiệt độ…) ít hơn cân nổi.
- Thoát nước kém, dễ bị ngập cân (do có hầm cân)
- Thẩm mỹ, hài hòa với khung cảnh chung của nhà máy (do mặt cân phẳng với mặt đường)
- Chi phí hầm cân cao.
- Khó vệ sinh, lắp đặt hiệu chỉnh và sửa chữa.
- Chiếm diện tích trung bình (do có các hố chờ để lắp đặt loadcell)
- Chịu ảnh hưởng của môi trường (gió, nhiệt độ…) ít hơn cân nổi.
- Thoát nước kém, dễ bị ngập cân (do có hầm cân)
- Thẩm mỹ hơn cân nổi.
- Chi phí hầm cân cao.
Vì thế, nếu mặt bằng đủ rộng, nên ưu tiên cho kiểu cân nổi; ngược lại nên ưu tiên cân chìm. Nếu cân trong môi trường hóa chất, phân bón hay các chất ăn mòn mạnh, đòi hỏi cân phải dễ dàng vệ sinh, làm sạch các loại hóa chất có thể rơi vãi trong khi cân (để bảo vệ bàn cân và loadcell) thì nên chọn kiểu cân nổi.
2. Yêu cầu đối với cân ôtô: gồm 4 yếu tố chính đó là: Độ chính xác của cân, tuổi thọ của cân, độ ổn định của cân và hiệu quả kinh tế.
- Độ chính xác của cân:
Cân ôtô là phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định được ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BKHCN ngày 6/ 7/ 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ .
Sai số cho phép khi kiểm định:
0         < mức tải trên cân    < 500e              Sai số cho phép ± 1e
500e   < mức tải trên cân     < 2000e           Sai số cho phép ± 2e
2000e < mức tải trên cân     < 10000e         Sai số cho phép ± 3e.
e = d: Phân độ của cân hay bước nhảy trên bộ chỉ thị.
Vd: Cân ôtô 60 tấn có bước nhảy 10kg
0                      < mức tải trên cân  <   5.000kg       Sai số cho phép ± 10
5.000kg          < mức tải trên cân    <   20.000kg    Sai số cho phép ± 20
20.000kg        < mức tải trên cân     <  60.000kg    Sai số cho phép ± 30.
Vd: Cân ôtô 60 tấn có bước nhảy 20kg
0                      < mức tải trên cân <  10.000kg    Sai số cho phép ± 20
10.000kg        < mức tải trên cân   <   40.000kg    Sai số cho phép ± 40
40.000kg        < mức tải trên cân   <   60.000kg    Sai số cho phép ± 60.
Qua hai ví dụ dễ dàng nhận thấy cân có bước nhảy (phân độ chia) càng nhỏ, độ chính xác càng cao. Tại cùng một mức tải thì cân có bước nhảy 20kg có sai số cho phép lớn hơn gấp 2 lần của cân có bước nhảy 10kg.
Độ phân giải có giá trị 10kg, 20kg hay 50kg của cân phụ thuộc vào:
- Độ chính xác của các Cảm biến lực (Loadcell) và Bộ chỉ thị (Indicator)
- Độ cứng vững của mặt bàn cân (phù hợp với kích thước bàn cân)
* Cảm biến lực (Loadcell): Độ chính xác hay quan trọng nhất là độ không tuyến tính của các cảm biến (Non linerity). Để đạt độ phân giải của cân là 10kg thì các cảm biến lực phải có độ không tuyến tính £ 0.01%.
Giá tiền của các cảm biến tải có độ không tuyến tính £ 0.01%. thường cao gấp 2 - 3 lần so với giá tiền của các cảm biến tải có độ không tuyến tính 0.02% - 0.03%.
Dùng các bộ cảm biến tải có độ tuyến tính 0.03% hay lớn hơn thì độ phân giải của cân không thể đạt 10kg mà phải đặt 20kg hay 50kg.
Cân ôtô thường dùng 3 loại loadcell chính: Loadcell uốn đơn (Single End Sheer Beam), Loadcell uốn kép (Double End Sheer Beam), Loadcell trụ (Rocker Pin).
imagesLoadcell uốn đơn (Single End Sheer Beam): kích thước cồng kềnh, khối lượng nặng, khó lắp đặt nên hiện nay hầu như không sử dụng khi lắp mới.

images1Loadcell trụ (Rocker Pin): kích thước gọn, khối lượng nhẹ, dễ lắp đặt nên hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, độ chính xác của loại loadcell này phụ thuộc rất lớn vào độ nghiêng (độ lệch tâm) của loadcell và phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Trình độ của nhân viên căn chỉnh, lắp đặt.
- Sự co giãn của bàn cân dưới sự tác động của nhiệt độ môi trường dẫn đến độ nghiêng của loadcell.
- Độ võng của bàn cân dưới tác dụng của tải trọng lớn cũng có thể gây ra nghiêng loadcell.
images2Loadcell uốn kép (Double End Sheer Beam): Khắc phục được các nhược điểm của 2 loại loadcell trên: kích thước gọn, khối lượng nhẹ, dễ lắp đặt; độ chính xác ít bị ảnh hưởng bởi độ lệch tâm (vấn đề mà loadcell trụ chưa khắc phục được) do cấu tạo đặc biệt của chúng: thứ nhất, do có bi thép tự lựa nên lực tác dụng xuống loadcell luôn thẳng đứng; thứ hai, loadcell này cấu tạo tương đương 2 loadcell uốn đơn ghép lại nên khi bị lệch tâm, tín hiệu loadcell luôn ổn định do có sự bù trừ qua lại giữa tín hiệu hai loadcell đơn. Do đó nên chọn Loadcell uốn kép (Double End Sheer Beam).
* Các bộ chỉ thị (Indicator):có độ phân giải trong càng lớn thì cân càng chính xác
Hiện nay, hầu hết các loại đầu cân đều đáp ứng được tiêu chuẩn cân cấp III. Vấn đề là khách hàng sử dụng cần biết những ứng dụng mở rộng nào của đầu cân là cần thiết cho nhu cầu sử dụng của mình, chẳng hạn như: có giao tiếp máy tính hay không, có cần máy in gắn sẵn hay không, giao tiếp thiết bị ngoại vi, dùng pin sạc hay dùng điện, có cần giao tiếp không dây hay không … Để có thể chọn được bộ chỉ thị hợp lý, khách hàng nên nhờ sự tư vấn của các công ty chuyên cung cấp thiết bị cân điện tử.
* Mặt bàn cân phải đảm bảo độ cứng vững để truyền tải hoàn toàn khối lượng xe trên cân đến các cảm biến lực. Nếu bàn cân không cứng vững, khi xe lên cân, bàn cân sẽ bị võng hoặc vặn làm ảnh hưởng đến độ chính xác của cân.
Thông thường, có 2 loại bàn cân là bàn cân bêtông và bàn cân bằng thép. Hiện nay, tại Việt Nam, bàn cân thép phổ biến hơn. Tuy nhiên, xu thế hiện nay các công ty đang chuyển sang sử dụng bàn cân bê tông, đặc biệt là các công ty của Thái Lan, Đài Loan…(V-Gas, Holcim, TungShin, ShinDu…). Lý do là bàn cân bằng bêtông với chi phí rẻ, độ bền cao, chịu được môi trường khắc nghiệt, ăn mòn do hóa chất, phân bón…
BÀN CÂN THÉP
BÀN CÂN BÊTÔNG
+Khối lượng mặt bàn cân nhẹ.
+Chi phí làm bàn cân đắt (do giá sắt thép cao hơn bêtông).
+Chi phí bảo dưỡng hàng năm lớn (sơn mặt bàn, khung bàn cân …).
+Không chịu được môi trường khắc nghiệt như hóa chất, phân bón, muối … (sắt thép bị ăn mòn).
+Tuổi thọ phụ thuộc vào môi trường sử dụng và việc bảo dưỡng hàng năm, thường thì thấp hơn so với bàn cân bêtông.
+Gia công nhanh.
+Dễ dàng chuyển dời sang vị trí khác
+Khối lượng bàn cân nặng hơn ~25%.
+Chi phí làm bàn cân rẻ hơn từ 10% - 25%.

+Chi phí bảo dưỡng hàng năm nhỏ (mặt bàn cân bằng bêtông nên không phải sơn bảo dưỡng)
+Sử dụng tốt trong môi trường khắc nghiệt như hóa chất, phân bón, muối …
+Tuổi thọ cao hơn 2-3 lần (môi trường bình thường) và >3 lần (môi trường hóa chất, phân bón…).
+Thi công chậm hơn (thời gian chờ bê tông ổn định) (có thể dùng phụ gia).
Chuyển dời sang nơi khác khó khăn hơn bàn cân thép.
Vì thế, nếu không quá gấp rút vì thời gian và không cần di chuyển đến nơi khác thì bàn cân bê tông chính là sự lựa chọn hợp lý. Ngược lại, nếu cần di chuyển đến nơi khác hoặc cần hoàn thành nhanh thì nên chọn bàn cân thép. Môi trường hóa chất, phân bón hoặc môi trường có sự ăn mòn cao nên ưu tiên bàn cân bê tông.
Việc chia đều các modul của bàn cân cũng là một yếu tố quan trọng, nếu các modul quá nhỏ sẽ làm cho khả năng tự lựa của bàn cân yếu dẫn đến cân bị bấp bênh, và phải sử dụng nhiều bộ cảm biến lực sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của cân.
VD: Khả năng cân là 60 tấn, sử dụng 06 bộ cảm biến lực 30tấn/bộ - Tổng chịu lực của các loadcell là 180tấn - sẽ chính xác hơn sử dụng 08 bộ  - Tổng chịu lực của các loadcell là 240tấn - Giống như việc sử dụng cân bàn 100 kg để cân vàng. Nếu các modul quá dài mà bàn cân không đủ cứng vững, khi lên tải, bàn cân sẽ bị biến dạng, bị võng làm thay đổi điểm đặt lực trên các cảm biến lực gây ra cân có sai số lớn. Nếu bàn cân không chịu nổi tải trọng của xe trong thời gian dài sẽ gây sập cân.
Hiện nay, việc ra đời nhiều nhà cung cấp cân dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt về giá cả cũng là một phần tất yếu ảnh hưởng đến chất lượng cân nói chung và chất lượng bàn cân ô tô nói riêng. Sự giảm giá cân dẫn tới lượng sắt thép gia công sản xuất bàn cân bị giảm đi đáng kể.
VD: Lượng sắt thép để gia công mặt bàn cân ô tô 60 tấn có kích thước là 9-10 tấn song vì muốn hạ giá sản phẩm để cạnh tranh thì một số nhà cung cấp chỉ sử dụng 6-7 tấn thép hoặc họ thay thế thép bằng tôn khiến độ cứng vững của bàn cân sẽ giảm đi đáng kể.
* Hệ thống móng cân: Về hệ thống móng chịu lực của cân cũng là một phần rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của cân. Nếu các trụ chịu lực chính có hiện tượng sụt lún không đồng đều sẽ làm cho cân bị bấp bênh, không sử dụng được.
- Độ ổn định của cân:
Cân ôtô sau khi lắp đặt phải đảm bảo có độ chính xác, ổn định trong thời gian vận hành lâu dài.  Thông thường các cân chỉ cần hiệu chỉnh sơ bộ sau lần kiểm định thứ 3.
Các thiết bị chính của cân như: loadcell, indicator được lắp ghép đồng bộ sẽ đảm bảo tuyệt đối vế tín hiệu kết nối là chính xác. Trường hợp sử dụng các thiết bị chính của các hãng khác nhau sẽ có nhiều hạn chế như: làm việc không ổn định, tuổi thọ không cao, cấp chính xác thấp và không đảm bảo an toàn về mặt quản lý các dữ liệu trong quá trính cân.
- Độ bền của cân:
Cân ôtô là tài sản có giá trị cao, độ chính xác của nó quyết định một phần sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên giao nhận hàng hoá. Tuổi thọ của cân thường trên 10 năm. Tuổi thọ này phụ thuộc vào tuổi thọ thiết bị, môi trường và trình độ của người vận hành.
Thời gian bảo hành của các nhà cung cấp cân tốt thường là 24 tháng
- Hiệu quả kinh tế:
Đầu tư một cân ôtô tốt là mong muốn của hầu hết tất cả nhà đầu tư. Cân ôtô được tin học hoá giúp cho việc quản lý hàng hoá thông quan, tồn kho hiện tại một cách nhanh chóng, chính xác. Người quản lý căn cứ trên số liệu này để có thể cho ra những quyết định nhanh chóng, chính xác. Cân tốt không làm tắc nghẽn luồng hàng hoá vào ra, không làm ách tắc hoạt động của doanh nghiệp.
Phạm Ngọc Long tổng hợp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây