Nguyên lý hoạt động của phương tiện đo để kiểm tra tốc độ xe cơ giới (camera bắn tốc độ)

Ảnh minh hoạ Hiện nay, việc sử dụng phương tiện đo để kiểm tra tốc độ xe cơ giới ( camera bắn tốc độ) được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông của ngành công an góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, theo quy định thì các phương tiện đo để kiểm tra tốc độ xe cơ giới này thì mỗi năm phải tiến hành kiểm định lại theo quy định hiện hành để đảm bảo tính pháp lý và chính xác của phương tiện đo. Căn cứ theo chức năng, camera bắn tốc độ được chia thành 3 loại chính: di động, cố định và tầm trung.
Nguyên lý hoạt động của phương tiện đo để kiểm tra tốc độ xe cơ giới (camera bắn tốc độ)
1. Camera bắn tốc độ di động:
Camera bắn tốc độ di động là thiết bị quen thuộc đối với ngành cảnh sát. Còn được gọi là ra-đa, camera bắn tốc độ di động sở hữu nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, từ loại đặt trên phương tiện giao thông, giá 3 chân, cầm tay đến ẩn giấu .
Loại camera này đi kèm với các thiết bị dò tìm tích hợp của riêng nó, cho phép người dùng ghi lại tốc độ của các phương tiện một cách chính xác dù có chuyển động hay không. Bên cạnh đó, chúng còn có thể xác định tốc độ ngay cả khi người sử dụng di chuyển hoặc đứng ngược chiều với dòng giao thông.
Camera bắn tốc độ di động ứng dụng công nghệ laser phát ra chùm tia sáng về phía phương tiện đang chạy tới gần. Thời gian chùm tia phát hiện và ghi lại mục tiêu trong phạm vi hoạt động 800m là 0,3 đến 0,7 giây.
Sau đó, ra-đa sẽ chiếu chùm tia trước đó với tần số và góc cụ thể ngang qua đường. Khi chiếc xe chạy vào “lãnh thổ” của nó, ra-đa sẽ phản chiếu khiến chùm tia thay đổi tần số do chuyển động tương tác giữa ra-đa và phương tiện. Mức độ tăng/giảm tần số phụ thuộc vào vận tốc di chuyển của chiếc xe.
Thêm nữa, camera bắn tốc độ di động có thể dò tìm hướng di chuyển chiếc xe mục tiêu. Tần số vẫn là công cụ chính: nếu nó tăng, tức là chiếc xe đang đến gần còn giảm đồng nghĩa với việc chiếc xe đang lùi ra khỏi vị trí của người sử dụng.
Để xác định vận tốc, camera bắn tốc độ di động phải phụ thuộc vào mức độ tăng/giảm của tần số. Do các chùm tia được chiếu theo một góc cố định (khoảng 20°) so với mặt đường nên sự thay đổi tần số sẽ đưa ra một con số thấp hơn vận tốc thực của mục tiêu. Ra-đa sẽ tính toán góc xiên bằng lượng giác học rồi mới xác định vận tốc theo hướng di chuyển.
2. Camera bắn tốc độ cố định:
Camera bắn tốc độ cố định có thể được gắn trên cột đèn, cầu vượt hoặc cầu giao với đường bộ tại các thành phố lớn. Loại camera này phát hiện vận tốc của phương tiện giao thông nhờ cụm máy dò điện tử áp lực (những sợi dây nhỏ) nằm bên dưới mặt đường. Khi một chiếc xe chạy qua một trong các máy dò, tín hiệu điện tử sẽ kích hoạt camera. Nếu chạy với vận tốc lớn hơn giới hạn cho phép, chiếc xe sẽ bị chụp lại bằng máy ảnh số. Vận tốc được xác định dựa trên khoảng thời gian chiếc xe chạm đến sợi dây thứ hai.
Camera bắn tốc độ cố định sẽ ghi lại ngày giờ, địa điểm, hướng di chuyển, vận tốc, vận tốc giới hạn trên đoạn đường đó (để so sánh) và làn đường chiếc xe đang chạy. Camera cố định có thể phân biệt các làn đường và xác định chiếc xe phạm lỗi trong dòng phương tiện giao thông. Được đặt theo góc nghiêng (ngang hoặc dọc), camera có thể đọc biển số xe dễ dàng dù bạn nấp đằng sau chiếc xe khác đi chăng nữa. Tại những đoạn có nhiều làn đường, mỗi làn sẽ được trang bị một cụm máy dò áp lực và camera ống kính góc hẹp riêng biệt. Thêm vào đó, một chiếc camera ống kính góc rộng sẽ có nhiệm vụ quan sát toàn bộ các làn đường cùng một lúc.
3. Camera bắn tốc độ tầm trung:
Còn được biết đến dưới cái tên camera nhận diện biển số tự động (ANPR), camera bắn tốc độ tầm trung là thiết bị đơn giản nhất trong số 3 loại. Không ứng dụng laser, chùm tia, GPS hay các phát minh hiện đại khác, camera tầm trung được liệt vào hàng cổ điển với những phép tính đơn giản.
Nguyên tắc hoạt động của camera bắn tốc độ tầm trung khá dễ hiểu: biết khoảng cách từ điểm A đến điểm B cũng như thời gian khởi hành của chiếc xe đồng nghĩa với khả năng xác định vận tốc trung bình giữa hai điểm. Sử dụng tia hồng ngoại và cơ sở dữ liệu của phương tiện, hệ thống sẽ nhận diện chiếc xe qua biển số.
Ngoài ra, loại camera này còn được gọi là hệ thống camera cưỡng chế tốc độ (SPECS) hoặc thiết bị chống vi phạm tốc độ (SSVD).
                                                                                                                      
                                                          Phạm Ngọc Long st,bi
ên soạn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây