Nến đốt càng thơm càng độc

Sử dụng nến thơm trong phòng thay cho các loại đèn đang được nhiều người ưa chuộng Lạm dụng thường xuyên và trong môi trường kín, các loại nến thơm có thể gây ra đau đầu, viêm xoang, tổn thương hệ thần kinh trung ương...Theo cảnh báo của các chuyên gia, lạm dụng thường xuyên, trong môi trường kín, các loại nến thơm có thể gây ra một số tác hại cho sức khoẻ: đau đầu, viêm xoang, tổn thương hệ thần kinh trung ương...

Sử dụng nến thơm trong phòng thay cho các loại đèn đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là giới trẻ, vì vừa có ánh sáng, không gian lại thơm tho, lãng mạn. Một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng đầu óc, stress...
Đã là hoá chất, dùng ít hay nhiều đều độc hại
Theo TS Lê Thành Phương, hội Hóa học TP.HCM, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo nến thơm sản xuất từ tinh dầu tự nhiên. Bởi, tinh dầu tự nhiên có giá thành rất đắt, dễ bay hơi và không thể làm nến nếu không pha thêm chất ổn định khác... "Đa số nến thơm có giá thành không đắt đều sử dụng các hương liệu tổng hợp. Về nguyên tắc, nến có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất. Đã là hoá chất, sử dụng ít hay nhiều đều độc hại. Tốt nhất nên tránh xa các loại nến có mùi quá thơm", TS Phương nói. Một nguy cơ nữa có thể gây hại cho người dùng là nến có lõi bấc bằng chì. Việc dùng dây kim loại (thường là chì) để làm lõi bấc sẽ giúp nến cháy thẳng, lâu, ngọn lửa đẹp nhưng lại không tốt cho sức khoẻ. Nhiễm độc chì gây ra các vấn đề về thần kinh, gan, thận... và trẻ có nguy cơ chậm lớn.
ThS. BS Nguyễn Thị Minh, hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, cho biết ước tính có khoảng 2% dân số thế giới mắc các chứng dị ứng với hương liệu. Một số tác hại thường gặp: gây kích phát các cơn hen suyễn, đau đầu, nghẹt mũi, ngứa họng, viêm xoang, đau mắt, tổn thương hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng quá trình mang thai, ung thư, vô sinh... Nhiều chất trong các sản phẩm có hương thơm đã được chứng minh có độc tính cao cho sức khoẻ con người như chất aeton, toluen, focmaldehit, benzen, metylen clorua...
Đốt nến thơm sao cho an toàn?
TS Phương có lời khuyên người dùng khi chọn mua nến nên xem kỹ phần bấc. Tốt nhất mua nến có bấc bằng sợi bông, không lõi hoặc bấc lõi giấy. Nếu bấc có lõi kim loại thì phải xem có phải bằng chì không (vạch đầu sợi lõi bấc vào giấy, nếu thấy xuất hiện các đường màu xám như bút chì thì không nên mua). Nếu có điều kiện thì mua nến làm bằng nguyên liệu tự nhiên như sáp ong, vừa an toàn sức khoẻ, vừa có mùi thơm dễ chịu. Trường hợp bấc quá dài, trước khi đốt nên cắt ngắn, còn chừng 1cm, "Bấc càng dài, lửa càng lớn, lượng muội khói độc càng nhiều...", TS Phương giải thích.
BS Minh cho biết, có hai dạng ngộ độc hoá chất: ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính biểu hiện thông qua các triệu chứng tức thời (buồn nôn, đau đầu, chảy máu chân răng...) Ngộ độc mãn tính là do nhiễm hoá chất lâu ngày, dẫn đến tích tụ độc chất trong người, ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng gan, thận, hệ thần kinh, tiêu hoá... Mức độ ngộ độc nặng có thể đưa đến tử vong. Để an toàn, nên tránh cho khói nến bám vào cơ thể. Không dùng nến trong các không gian kín, ít thông gió, như nhà tắm, phòng nhỏ bít bùng cửa... Không dùng nến thơm thực hiện phương pháp trị liệu bằng hương thơm nếu không có đủ hiểu biết về sản phẩm hoặc không tìm được nến của các hãng uy tín. Không đốt nến gần những nơi có nhiều đồ dùng bằng vải vì dễ xảy ra hoả hoạn, lại là môi trường để các chất độc hại trong khói nến lưu lại lâu dài.
"Không phải cứ dùng nến thơm là sẽ ngộ độc hoặc ảnh hưởng sức khỏe ngay. Nếu thỉnh thoảng dùng thì không có gì quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng dùng thì phải xem lại. Trong quá trình sinh sống, cơ thể mỗi người đã tích luỹ một lượng hoá chất theo thời gian. Nếu đã tích trữ đủ giới hạn chịu đựng của bản thân thì chỉ cần hít thêm một lượng nhỏ thôi cũng có thể gây những triệu chứng ngộ độc hoá chất", BS Minh nói.
Tranh cãi về sáp paraffin liệu có gây ung thư
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã thắp rất nhiều loại nến trong phòng thí nghiệm, sau đó thu thập và kiểm tra các chất khí toả ra. Kết quả, họ ghi nhận sáp paraffin làm nến chứa một lượng lớn các chất gây hại như toluen và benzen. Theo hội Hoá học Mỹ, một số chất thải từ nến thơm có sáp paraffin sẽ gây ung thư, một số chất khác gây suyễn và các bệnh về da.
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc trung tâm Nghiên cứu ung thư của Anh lại cho rằng không có bắng chứng trực tiếp nào khẳng định dùng nến mỗi ngày ảnh hưởng tới phát triển ung thư. TS Noemi Eiser, quỹ Hô hấp của Anh khẳng định việc thi thoảng sử dụng nến sáp paraffin không thể gây bất kỳ nguy hiểm nào cho sức khoẻ, "Tuy nhiên, chúng tôi muốn tư vấn cho bạn cách phòng ngừa nguy hiểm bằng cách như: mở cửa sổ, giúp căn phòng thoáng đãng để giảm tối đa việc hít phải các khí toả ra từ nến..." TS Noemi Eiser nói.

                                                                                          Nguồn: Sài gòn tiếp thị

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay47,872
  • Tháng hiện tại1,412,699
  • Tổng lượt truy cập4,117,903
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây