Đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản là đầu tư chiến lược

Trước hàng trăm nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự Hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội”, sáng 7/7, tại TP. Quy Nhơn, Bình Định, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư, nhằm xây dựng nền móng, tăng cường năng lực quốc gia.

Đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản là đầu tư chiến lược

Hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội” nằm trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12, diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, từ ngày 26/6-17/12 do Bộ KH&CN, Hội Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển bền vữngavà có thể giúp các quốc gia như Việt Nam vươn lên thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, Phó Thủ tướng cho biết: “Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, là câu chuyện của các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia”.

Điều đó được thể hiện ngay sau khi giành độc lập Chính phủ Việt Nam đã thành lập các bộ môn khoa học cơ bản trong trường đại học.

Trong những năm còn chiến tranh, Việt Nam đã chọn và cử hàng ngàn học sinh xuất sắc đi du học nước ngoài về các ngành khoa học cơ bản.

Bước vào thời kỳ Đổi Mới, từ năm 1990, Chính phủ đã  triển khai chương trình “Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên”, hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học, đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Khoa học Trái đất, Khoa học về con người...

So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia cũng dành phần lớn tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản.

Nhiều nhà khoa học, nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc được tôn vinh bằng những giải thưởng cao quý nhất như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu…

Cùng với đó, ở Việt Nam có ngày càng nhiều chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em, cho giới trẻ.

Tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu khoa học cơ bản đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ không thể thiếu và vô cùng cần thiết của các tổ chức khoa học, đào tạo, của các nhà khoa học quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu mới mà Việt Nam còn rất thiếu nhân lực. 

Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học, đã trưởng thành, có đóng góp vào khoa học Việt Nam, vào sự phát triển đất nước. Tiêu biểu là nhiều thành viên của nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ (Viện Hàn lâm) Khoa học và Công nghệ Việt Nam được cấp học bổng làm luận án Tiến sĩ ở nước ngoài và sau đó trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đào tạo các bạn trẻ khác.

Gần đây, năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành 2 trong tổng số 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận và bảo trợ.

Có những nhà khoa học như Giáo sư vật lý thiên văn người Pháp Pierre Darriulat đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn tham gia đóng góp về chính sách khoa học, công nghệ và phát triển Việt Nam.

Một ví dụ tiêu biểu khác về sự hỗ trợ đối với nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam là những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1993. Hơn 20 năm qua, Hội đã không ngừng xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu với 11 lần tổ chức các hội nghị khoa học Gặp gỡ Việt Nam, thu hút hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng, trong đó có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel và các giải thưởng khoa học quốc tế về vật lý, thiên văn học, toán học…; triển khai các khóa học vật lý quốc tế, đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam.

Quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh của Hội cũng đã trao hơn 25.000 học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, với tổng số tiền hơn 250 tỷ đồng.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới các thành viên Hội Gặp gỡ Moriond do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1966, nơi gặp gỡ thường xuyên, góp phần làm nên thành công  của nhiều nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới.

Phó Thủ tướng mong muốn các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam cũng sẽ tạo kết nối, động lực cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có những đóng góp cho khoa học công nghệ của nhân loại, giành được nhiều giải thưởng cao quý.

Để mong muốn đó trở thành hiện thực, ngoài cam kết ủng hộ của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học Quy Nhơn được hoàn thiện, được tiếp tục phát triển, hoạt động nhộn nhịp và hiệu quả với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam, công chúng nhưng người yêu khoa học, ủng hộ khoa học, đặc biệt là giới trẻ.

“Một mạng lưới liên kết, bền vững rộng khắp giữa Gặp gỡ Việt Nam và các cơ sở đào tạo của Việt Nam sẽ không chỉ giúp Gặp gỡ Việt Nam luôn sống động mà còn góp phần, phát huy những giá trị vô giá nguồn chất xám của các nhà khoa học quốc tế đã đến Việt Nam, tăng cường tiềm lực khoa học cho Việt Nam”.

Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh những nội dung, ngôn ngữ rất chuyên sâu về khoa học chương trình Gặp gỡ Việt Nam cần có nhiều hoạt động, cách biểu thể dung dị trên tinh thần “đưa khoa học tới quần chúng”, “khoa học gắn với thực tiễn”.

Lấy ví dụ về sự tiện dụng của hệ thống định vị toàn cầu GPS có thể giúp mỗi người “xác nhận với người thân về vị trí chính xác của mình” được bắt nguồn từ thuyết tương đối của Einstein, Phó Thủ tướng nhắc lại nhận xét của nhà vật lý Hà Lan Casimir cho rằng không có một tiến bộ nào của thế kỷ 20 mà không “mắc nợ” khoa học cơ bản từ việc đảm bảo an ninh lương thực, tiến bộ của y học để duy trì sự sống tới bảo vệ môi trường, giữ cho trái đất xanh…

“Tôi không phải là nhà khoa học nhưng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, vai trò không thể thiếu của khoa học trong sứ mệnh làm cho thế giới ngày một tốt đẹp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ và nhấn mạnh: Thế giới còn rất nhiều biến động, nhân loại vẫn đang đứng trước nhiều hiểm họa tiềm ẩn từ chiến tranh, xung đột tới bệnh dịch, biến đổi khí hậu... Các nhà khoa học, các công trình khoa học có vai trò quan trọng trong kiến tạo hòa bình, tăng cường hợp tác giữa các dân tộc; trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu đe dọa tới phát triển bền vững, tới tương lai của thế giới.

Sự hiện diện của các nhà khoa học cùng những vấn đề được thảo luận trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 là một phần rất ý nghĩa trong thực hiện vai trò đó.

                                                                                                             Theo Chinhphu.vn

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây