Giai đoạn 2008-2017 tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện 166 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư là 77.587,743 triệu đồng. Kết quả đã nghiên cứu thử nghiệm một số biện pháp canh tác mới, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi mới, từ đó đã kết luận và đưa một số giống lúa, cây rau mầu, giống gia cầm, thủy sản vào cơ cấu giống cây trồng vật nuôi của tỉnh, kết quả cụ thể như sau:
1. Trong lĩnh vực trồng trọt
Các giải pháp khoa học trong lĩnh vực này đã được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả như: giảm vụ mùa muộn tập trung chủ yếu vào mùa trung và mùa sớm, bỏ trà xuân trung, giảm trà xuân sớm và tăng trà xuân muộn; áp dụng các biện pháp đồng bộ như cấy mạ non, gieo thẳng, thâm canh lúa lai theo công nghệ Trung Quốc, sử dụng công cụ xạ hàng để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thời vụ, an toàn dịch bệnh, tăng hệ số sử dụng đất; thực hiện gieo cấy theo phương thức một vùng, một giống, một thời gian; mô hình tổ chức và quản lý sản xuất lúa tập trung, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; giải pháp trồng ngô mật độ cao không làm đất kết hợp đặt bầu, chỉnh tán giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trồng ngô so với biện pháp canh tác truyền thống lên 20%; giải pháp kỹ thuật phục tráng giống, cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả bằng công nghệ ghép chồi nhằm góp phần rải vụ thu hoạch cho cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế; áp dụng các kỹ thuật nhân giống chủ động sản xuất cung cấp giống chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 64,2 % giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2015, năm 2016 sơ bộ đạt 62,5%.
- Đối với cây lúa: Tiếp nhận và làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa kháng bạc lá Bắc ưu 253, Bắc thơm số 7KBL, lúa lai TH 7-2, Hương cốm 4. Khảo nghiệm, sản xuất thử đã kết luận và lựa chọn được nhiều giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh cho năng suất và hiệu quả kinh tế (TH7-2, Bio 404, Nghi Hương 2308, Bắc ưu 903, Bắc ưu 253, Syn6; ĐB6, SH14, HT1, Hương ưu 3068, SH2, RVT, Nàng xuân, QR1, T10, P376, HD1, J01, Thụy Hương 308, PC6, P6 ĐB, Bắc ưu 253 KBL, Bắc thơm số 7 và 7 KBL, GL 105, Hương cốm 4). Trong đó có nhiều giống đã được đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như Bio 404, Nghi Hương 2308; Hương ưu 3068, RVT, Nàng xuân, T10, QR1; các giống còn lại đã được công nhận tạm thời cho mở rộng sản xuất và đề nghị tiếp tục đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức. Kết quả nghiên cứu về giống lúa đã góp phần đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh tăng từ 59,45 tạ/ha năm 2010 lên 60,33 tạ/ha năm 2016. Duy trì mô hình vùng giống lúa nhân dân đáp ứng cho diện tích gieo cấy lúa của tỉnh; xây dựng thành công các cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành và phát triển các mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến khâu thu hoạch giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 6-7 triệu đồng/ha. Triển khai mở rộng hàng ngàn ha giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15%.
- Đối với cây rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả: Nghiên cứu áp dụng các biện pháp canh tác mới; các giống mới đã được khảo nghiệm, được kết luận phù hợp với điều kiện của tỉnh có năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao để đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, mở rộng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất đặc biệt là sản xuất các cây rau màu trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, cụ thể:
+ Cây rau màu: Sản xuất thử lựa chọn được giống phù hợp với điều kiện của tỉnh như: cà chua ghép gốc cà tím, khoai tây Sinora, bí xanh số 1, bí xanh số 2, dưa hấu F1 super Hoàn Châu, Thúy Đào 169, dưa bở vàng thơm, ngô lai LVN4, LVN99, C919, HQ2000, ngô nếp VN2, VN6, MX4, MX6, MX10, Wax 48, HN88, King 80, Waxy3, đậu tương ĐT92, ĐT96, ĐN4, Đ6, lạc ĐN10 để đưa vào cơ cấu cây rau màu của tỉnh. Các giống này đã được ứng dụng sản xuất trong toàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chủ động sản xuất được giống khoai tây Sinora cung cấp tại tỉnh, đến nay diện tích trồng giống khoai này đã được mở rộng lên tới hàng trăm ha, cho năng suất 19 tấn/ha cao hơn so với các giống khác 15% (2,8 tấn/ha) và được thị trường rất ưa chuộng. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 phê duyệt dự án "Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015".
+ Cây ăn quả: Nghiên cứu áp dụng các biện pháp phục tráng giống, cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả bằng công nghệ ghép chồi; đã đưa 8 giống cây ăn quả mới vào cơ cấu cây trồng của tỉnh: Thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, ổi trắng, quýt không hạt NNH-VN52, bưởi ngọt NNH-VN53, bưởi NNH-VN50, chuối tiêu Hồng, Đại táo 15... Duy trì và phát triển vườn cây ăn quả đầu dòng với nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Triển khai áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về giống, chăm sóc, bảo quản, rải vụ kéo dài thời gian thu hoạch cùng với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP vào cây vải thiều, na, cam, ổi cho năng suất tăng 10-15%, giá trị sản xuất tăng 15-20% so với sản xuất trước đây.
+ Đối với cây công nghiệp: Phát triển mở rộng vùng sản xuất các giống chè mới Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên thay thế vườn chè giống cũ và các vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn thị xã Chí Linh, cung cấp nguyên liệu cho chế biến chè, duy trì và phát triển thương hiệu trà Dược Sơn mới được xây dựng.
2. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản
- Đối với chăn nuôi: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật kéo dài thời gian bảo quản tinh dịch lợn để đáp ứng yêu cầu sản xuất ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa; phát triển một số giống lợn đực ngoại như: Durox, Landrace, Yorkshire, Piétrain RéHal, PiDu … để tạo các con lai 2-4 máu ngoại cho phẩm chất, năng suất, chất lượng thịt tốt. Đưa các dòng lợn nái mới VCN 21, VCN 22 vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng thịt cho đàn lợn của tỉnh, tỷ lệ thịt lạc đạt 58-62% và cho hiệu quả kinh tế cao hơn các dòng nái khác trên 10%. Các giống gia cầm mới: gà siêu trứng Isabrown, Neobrown, gà Ai Cập, gà Sasso, gà sao, gà lông màu, XTP1, Lương Phượng, gà mía lai, gà ri lai, gà TP, gà lai chọi, chim bồ câu pháp; giống vịt siêu thịt C.M, Super Heavy, M3, vịt Đại Xuyên, vịt lai ngan, ngan VS152 v.v... được phổ biến cho hàng ngàn hộ nông dân áp dụng, mở rộng sản xuất hàng hóa tại các huyện trong tỉnh; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu “Gà đồi Chí Linh”, góp phần ổn định trong chăn nuôi gia cầm của tỉnh, xây dựng và phát triển mô hình nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường chăn nuôi. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 26,8% năm 2010 lên 34,5% năm 2016.
- Đối với nuôi thủy sản: Ngoài việc nuôi các giống cá truyền thống, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu sản xuất cá giống rô phi đơn tính đực lai tạo bằng công nghệ lai xa, có thể sản xuất được trên 2,0 triệu con giống/năm để chủ động cung cấp giống cho người dân trên địa bàn tỉnh và thử nghiệm một số giống thủy sản đặc sản,... Đến nay các giống cá rô phi đơn tính đực, cá rô phi từ Điêu Hồng, chép lai 3 máu, chép V1, cá đặc sản như cá chiên, cá lăng… đã phát triển mở rộng ở 12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Ứng dụng các kỹ thuật về giống, xử lý môi trường ao nuôi bằng công nghệ sinh học trong xử lý đáy ao nuôi thủy sản và xử lý môi trường nuôi như Biof, EM…
Diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh tăng từ 9.901 ha năm 2010 lên 10.965 ha năm 2016; giá trị sản xuất thủy sản năm 2016 sơ bộ đạt 2.511.445 triệu đồng.
3. Trong xây dựng nông thôn mới
Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu xây dựng và triển khai Chương trình "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015" và Chương trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020”. Đến nay, Chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật sau:
- Đánh giá các chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đề xuất về mức hỗ trợ đối với giống cây, giống con đưa vào mô hình sản xuất trình diễn và mô hình sản xuất mở rộng.
- Nghiên cứu một số giải pháp khoa học và công nghệ về sản xuất hàng hóa tập trung trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương theo hướng CNH, HĐH; các giải pháp khoa học và công nghệ để sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Giai đoạn 2012-2015 đã tổ chức thực hiện thành công 10 dự án và 10 đề tài ở 73 xã, phường trên địa bàn 12 huyện, thị xã và thành phố. Tổng diện tích thực hiện các mô hình là 1.759,45 ha, trong đó mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích là 1.017,3 ha triển khai ở 24 xã thuộc 7 huyện; mô hình sản xuất rau màu diện tích 638,3 ha ở 37 xã thuộc 9 huyện và thị xã; mô hình cây ăn quả 11,85 ha ở 7 xã, phường thuộc thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà; mô hình nuôi thủy sản diện tích 92 ha ở 14 xã, phường thuộc 6 huyện và thị xã; tổng số gia cầm được nuôi là 190.300 con được thực hiện ở 14 xã, phường thuộc 5 huyện và thị xã. Các mô hình sản xuất tập trung đã đem lại giá trị sản xuất cao cho các hộ nông dân như: đối với trồng trọt 02 vụ lúa, 01 vụ màu cho hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân đạt 232 triệu đồng/1ha; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ doanh thu đạt 480 triệu đồng/ha (năm thứ tư); mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính với cá truyền thống doanh thu đạt từ 495,4 triệu đồng/1 ha (năm 2012) đến 608,9 triệu đồng/1 ha (năm 2015); thực hiện thành công mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ giới hóa các khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến thu hoạch trên cánh đồng có diện tích lớn.
Trong năm 2017, Chương trình tiếp tục thực hiện 04 đề tài, dự án tập trung với các kết quả đạt được: Nghiên cứu xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Hải Dương, xây dựng vùng sản xuất lúa giống mới giá trị cao gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 300 ha/2 giống lúa Gia Lộc 102, LTH31, quy mô vùng tập trung đạt từ 10 ha/điểm trở lên tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc; xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương với quy mô 250 ha cà rốt, súp lơ, bắp cải tại Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc, Kim Thành, Tứ Kỳ; nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương.
4. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Xử lý rác thải đồng ruộng, xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do việc đốt, xả thải bừa bãi rơm rạ dư thừa sau thu hoạch. Ứng dụng một số chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi và môi trường ao nuôi thủy sản. Tỉnh còn hợp tác với Công ty Saibon Nhật Bản triển khai thử nghiệm công nghệ Saibon trong xử lý nước thải sau chăn nuôi quy mô trang trại.
5. Về bảo hộ sở hữu trí tuệ
Đến năm 2017 tỉnh xây dựng được 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà và gần 20 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Cà rốt Đức Chính, Gà đồi Chí Linh, Củ đậu Kim Thành, Sắn dây Kinh Môn, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Na Chí Linh, Bưởi Lập Lễ, Ổi Thanh Hà, Giầy da Hoàng Diệu, Nhãn Chí Linh, Rau Gia Lộc…
6. Trong nghiên cứu ứng dụng khác
Đối với việc giết mổ, chế biến nông sản sau thu hoạch: xây dựng và đưa vào hoạt động 01 mô hình giết mổ tập trung tại thành phố Hải Dương; áp dụng công nghệ sấy rau gia vị mới đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm năng lượng vào sản xuất các sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: hành, cà rốt, bí ngô, các loại rau gia vị. Nghiên cứu các giải pháp bảo quản, rải vụ các loại rau quả mang hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành nghề nông thôn đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ mới nhằm ổn định và phát triển sản xuất.
Về thủy lợi: Nghiên cứu sử dụng hiệu quả hệ thống các hồ chứa, kênh mương, trạm bơm tưới, tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.Đặc biệt đó là ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến tại huyện Thanh Miện là cơ sở cho việc áp dụng, nhân rộng trên toàn tỉnh.
7. Về công tác chuyển giao kỹ thuật cho nông dân
Công tác tuyên truyền, phổ biến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, xây dựng những trang trại, gia trại, cánh đồng có hiệu quả kinh tế cao được đẩy mạnh góp phần quan trọng vào những thành tựu của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các đề tài, dự án đã tổ chức tập huấn hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, xử lý môi trường,...
* Đánh giá chung: Kết quả các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp từng bước đưa các kỹ thuật tiến bộ mới về giống cây trồng, vật nuôi vào trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội khá rõ nét,tạo được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ được áp dụng, nhân rộng đã đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Một số giống lúa, giống gia súc, gia cầm, giống thuỷ sản đã được sản xuất thử thành công làm cơ sở để bổ sung vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, mở rộng sản xuấttăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh. Hầu hết các mô hình sản xuất lúa và rau màu đều kết nối được với doanh nghiệp để tổ chức liên kết tiêu thụ, kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân, tạo điều kiện cho các hộ dân an tâm sản xuất. Các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi đều được định hướng sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo vệ môi trường nông thôn, sở hữu trí tuệ, thông tin tuyền truyền về khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp đã được quan tâm, đầu tư và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X của ngành khoa học và công nghệ đã chứng minh tính hiệu quả của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tác động tích cực tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao thu nhập của người dân, đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thể hiện vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Các giải pháp cơ bản để KH&CN trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
1. Định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp
- Trong lĩnh vực trồng trọt cần hướng vào giải quyết các vấn đề sau:
+ Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng thành tựu, giải pháp công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất trên 01 đơn vị diện tích canh tác, gắn với những lợi thế và đặc trưng của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
+ Nghiên cứu, lựa chọn và nhân rộng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
+ Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình thâm canh tổng hợp; quản lý sâu bệnh phục vụ sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào trên một đơn vị diện tích, phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học.
+ Lựa chọn, duy trì và phát triển các giống cây trồng bản địa, đặc sắc của tỉnh.
- Trong lĩnh vực chăn nuôi cần hướng vào giải quyết các vấn đề sau:
+ Nghiên cứu ứng dụng các giống vật nuôi chủ lực phù hợp với vùng sinh thái và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học.
+ Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học, thức ăn và thức ăn bổ sung trong chăn nuôi; các công thức chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn thức ăn sẵn có, nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.
+ Lựa chọn, duy trì và phát triển các giống vật nuôi bản địa, đặc sắc của tỉnh.
- Trong lĩnh vực thủy sản cần hướng vào giải quyết các vấn đề sau:
+ Nghiên cứu ứng dụng và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống đối với một số giống thủy sản chủ lực, sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Nghiên cứu quy trình phòng trừ bệnh tổng hợp trên một số đối tượng chủ lực phục vụ nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tiết kiệm nước.
+ Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học, vắc xin, thuốc thủy sản, quy trình công nghệ sản xuất thức ăn trong nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu công thức chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn thức ăn phục vụ phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học về các biện pháp canh tác, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các sản phẩm phân bón và thuốc trừ sâu sinh học nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị canh tác, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, công nghệ cao trong xử lý môi trường và sản xuất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch.
- Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào việc giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
- Xác lập, khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học; hỗ trợ tạo lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, có tiềm năng phát triển của địa phương.
- Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
- Tập trung vào giải quyết việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán; sạt lở bờ sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo phát triển bền vững.
2. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
- Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng kết nối số, quản trị thông minh trong nông nghiệp, rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của tỉnh bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển,tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững.
- Tiếp tục thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.
- Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp ứng dụng phù hợp, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, các doanh nghiệp, trang trại trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm. Tổ chức đào tạo, tập huấn để người dân, cán bộ địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp cận và áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong tổ chức, hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Đào Văn Dương
Phòng Quản lý khoa học