Kết quả thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án và Kế hoạch số 2514/KH-UBND ngày 27/7/2018 của UBND tỉnh Hải Dương thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án, kết quả đạt được năm 2018 như sau:
Kết quả thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
1. Triển khai thực hiện các hoạt động hướng người dân vào ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình sản xuất
- Tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức và hiểu biết của người dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất
Đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hướng tới người dân và cộng đồng thông qua các đề tài, dự án, đề án cấp tỉnh, nhiệm vụ của các tổ chức KH&CN công lập bằng nhiều hình thức như video, băng tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá; tập huấn cho tổ chức, cá nhân về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó đặc biệt quan tâm lĩnh vực khoa học nông nghiệp nhằm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn... Kết quả, các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, xã hội đều thực hiện các băng tuyên truyền, có 1-2 bài báo, tổ chức được gần 150 lớp tập huấn với gần 7.000 lượt người tham gia, tổ chức được trên 30 buổi hội thảo tại mô hình với hơn 1.500 lượt người, tham dự các hội chợ, quảng bá giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt một số dự án, đề án do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đã có những tác động lớn đến việc cung cấp thông tin, hướng người dân vào ứng dụng khoa học và công nghệ như: Dự án "Nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương” thuộc Chương trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020” thực hiện duy trì, thành lập mới tổ truyền thông thông tin khoa học công nghệ, biên tập và cung cấp cho các xã 200 dữ liệu bản giấy in, 50 dữ liệu dạng âm thanh, hình ảnh các quy trình kỹ thuật và tài liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp để truyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh mỗi xã trên 100 tin bài, xây dựng chuyên mục: “Khoa học và công nghệ với phát triển nông nghiệp” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với số lượng phát sóng 12 số, thời lượng: 10-12 phút/số vào tối thứ 6 tuần đầu tiên hàng tháng và đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương. Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020” đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng với 03 tin, bài viết tuyên truyền trên báo, tạp chí, trang tin điện tử; 03 chương trình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; tổ chức 01 lớp tập huấn về những vấn đề cơ bản về sở hữu công nghiệp, đăng ký, khai thác và bảo hộ nhãn hiệu cho gần 100 lượt người; tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 100 tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ cung cấp thông tin và tra cứu sơ bộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, giải pháp hữu ích cho 60 đơn vị có nhu cầu đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ 10 tổ chức, cá nhân tham gia Hội chợ Làng nghề Việt Nam (Craftviet) năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; hỗ trợ xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho 5 sản phẩm đặc thù của địa phương; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm. Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 – 2020” tổ chức 01 buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tại doanh nghiệp điểm đã triển khai cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; 05 phóng sự và 01 cuộc tọa đàm về năng suất chất lượng phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 06 video về các hoạt động năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ; tuyên truyền trên chuyên mục về năng suất, chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân về năng suất, chất lượng.
- Phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức đào tạo về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ tại các cơ sở bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ tại các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn cho các cơ sở thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong lĩnh vực y tế. Tiếp nhận và thẩm định cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong y tế (sửa đổi 17 giấy phép, gia hạn 06 giấy phép, cấp mới 28 giấy phép), 19 chứng chỉ nhân viên bức xạ cho cán bộ phụ trách an toàn bức xạ. Thẩm định, phê duyệt 14 kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.
- Tăng cường xây dựng xã hội sáng tạo, đổi mới thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như nghiên cứu các nhân tố tác động đến quá trình khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương; xây dựng, hội thảo và chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Thực hiện nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến quá trình khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương”, đánh giá hiện trạng khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương trên cơ sở thực hiện khảo sát hiện trạng, quyết định, quá trình và một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương…với quy mô 1.600 phiếu (1.500 lao động trẻ và 100 cán bộ lãnh đạo quản lý) tại thành phố Hải Dương, Kinh Môn, Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành. Bước đầu đề xuất mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp với lao động trẻ tỉnh Hải Dương.
- Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Sở là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ sự nghiệp công của ngành khoa học và công nghệ nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống của người dân. Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống lúa thuần LTh31, dưa hấu lai F1 AD779, ngô ngọt Golden Cob, ứng dụng công nghệ trong thâm canh cây ăn quả thời kỳ kinh doanh, chăn nuôi giống ngan thương phẩm VS152, nuôi cá chép V1, ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng vào sản xuất hoa và cây ăn quả, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công nghệ mới phù hợp với điều kiện của tỉnh; xuất bản, phát hành Tạp chí khoa học và công nghệ, hoạt động thư viện, cung cấp thông tin KH&CN, cơ sở dữ liệu KH&CN.
- Tuyên truyền khuyến khích việc nghiên cứu, bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên trong tỉnh; nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và lựa chọn một số tác phẩm nghệ thuật, công trình tiêu biểu gắn với phát triển du lịch tỉnh Hải Dương”, khảo sát, sưu tầm được 2.169 tác phẩm nghệ thuật, công trình thuộc các loại hình nghệ thuật (trong đó cá nhân: 1.253, tổ chức: 665 tác phẩm, công trình). Trong đó số lượng cụ thể đối với các loại hình: nghệ thuật sân khấu: 245, múa: 41, âm nhạc: 527, mỹ thuật: 741, nhiếp ảnh: 414, điện ảnh: 57, kiến trúc:144. Xây dựng, ban hành tiêu chí để đánh giá, xác định giá trị các tác phẩm nghệ thuật, công trình tiêu biểu thuộc các loại hình: sân khấu, múa, âm nhạc, tạo hình, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, các nhóm đặc thù trong mỗi loại hình. Năm 2019 tiếp tục thực hiện việc nhân bản các tác phẩm, công trình nghệ thuật phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Các đề tài, dự án thực hiện trong năm 2018 đã đạt được kết quả tốt, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể:
+ Lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã được ưu tiên triển khai và mang lại một số kết quả tích cực, cụ thể: Đã tập trung lựa chọn được các tiến bộ KH&CN về giống để xây dựng mô hình, ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng tại các địa phương như lúa QP5, LTH31, SHPT3, J02, ĐS1, CNC11; cà chua doufu, ngô nếp lai HUA601, ADI688; cam Vinh, cam V2 và bước đầu thực hiện phục tráng giống nếp Quýt truyền thống của huyện Kim Thành; nghiên cứu, tiếp nhận và làm chủ được tiến bộ kỹ thuật trong: sản xuất giống cá nheo Mỹ, nuôi thương phẩm cá chạch bùn, bảo quản hành an toàn giảm được tỷ lệ hao hụt mà không phải dùng hóa chất; Xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình: sản xuất rau, củ, quả không sử dụng phân bón, thuốc hóa học; trồng rau giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác bền vững nguồn lợi rươi; sản xuất rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với bao tiêu sản phẩm.
+ Các tiến bộ KH&CN thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đã được đầu tư nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của lĩnh vực này ngày càng đáp ứng được yêu cầu bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý hợp nhất tại một số sở ngành; xây dựng hệ thống huấn luyện bắn súng và mô phỏng địa hình diễn tập cho lực lượng vũ trang của tỉnh.
+ Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực y dược tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật, điều trị bệnh đã được tiếp nhận và chuyển giao vào địa phương; góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến tỉnh, tiết kiệm chi phí và giảm tải áp lực phải chuyển viện lên tuyến trên như: phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân Hamstring; ứng dụng nội soi có dải tần ánh sáng hẹp trong chẩn đoán polyp đại trực tràng và điều trị bằng phương pháp đốt điện; ứng dụng công nghệ tiên tiến để nghiên cứu, chiết xuất và bào chế viên nang cứng có tác dụng hạ đường huyết từ các phân đoạn của hòe hoa…
+ Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được coi trọng thực hiện và phát huy tác dụng tốt trong thực tế. Kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực này đã góp phần: Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; Phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp và tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm như: hành Nam Sách, bánh đa Lộ Cương, nếp Quýt Kim Thành, gạo chất lượng cao Thanh Miện, quất Thanh Hà; Gắn kết hoạt động đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động trong thực tế; Bảo tồn di sản hán nôm của tỉnh; Phát huy giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, công trình tiêu biểu gắn với phát triển du lịch của địa phương...
2. Các nội dung khác
- Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ. Đặc biệt là các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đều có sự tham gia tiếp nhận kỹ thuật sản xuất của người dân; sự tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp...
- Nâng cao năng lực và trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương và người dân trong việc tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu vì sự phát triển chung để xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
 
Phòng Quản lý khoa học

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây