Ảnh minh hoạ Báo cáo của Ủy ban An toàn Tiêu dùng Mỹ đã chỉ ra rằng, chỉ riêng năm 2012, nước Mỹ có tới 265.000 vụ tai nạn đồ chơi nguy hiểm phải cấp cứu trong bệnh viện. Trong số đó, có khoảng 72% số ca là bệnh nhân nhỏ hơn 15 tuổi. Còn tại Việt Nam cũng ghi nhận không ít những trường hợp trẻ em phải cấp cứu vì sử dụng đồ chơi không an toàn và không phù hợp với lứa tuổi.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết cha mẹ cần phải biết những quy tắc nhất định khi mua đồ chơi để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
1. Xác định loại đồ chơi mình định mua có nằm trong danh mục hàng hóa bị thu hồi do nhiễm độc hay do các nguy cơ nguy hiểm khác hay không. Điều này rất quan trọng, đồ chơi không an toàn là con đường ngắn nhất dẫn đến tai nạn và nhiễm độc. Cẩn thận với các cửa hàng bán đồ chơi online vì người mua không thể nào kiểm chứng được chất lượng của đồ chơi cho đến khi đã “tiền trao cháo múc”.
2. Đồ chơi phải phù hợp với tuổi: Trên đồ chơi thường có ghi chú tuổi phù hợp với trẻ nhưng cha mẹ mới là người hiểu con mình nhất. Đừng lúc nào cũng tin vào nhà sản xuất, phải biết tự “lượng sức con mình” có chơi được những đồ chơi mình định mua hay không hay đồ chơi đó có thể gây nguy hiểm gì cho bé hay không. Cần tránh những trường hợp lãng phí do bé không chơi được đồ bố mẹ mua hoặc chơi không đúng cách gây nguy hiểm.
Ngoài ra, đối với gia đình có nhiều hơn một trẻ và có độ tuổi khác nhau, cha mẹ phải lưu tâm sắp xếp và quản lý đồ chơi riêng biệt cho trẻ. Đồ chơi của em bé lớn rất có thể sẽ gây nguy hiểm khôn lường đối với em bé nhỏ.
3. Tránh chọn đồ chơi nhỏ cho trẻ dưới 3 tuổi: trẻ em sơ sinh và trẻ nhỏ thường thích nhai gặm mọi thứ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, đồ chơi cần phải lớn hơn miệng của trẻ để tránh khi trẻ nhai, gặm sẽ nuốt và bị ngạt thở. Muốn biết đồ chơi cỡ nào thì đảm bảo an toàn, bạn chỉ cần thử nó với lõi một cuộn giấy ăn, nếu đồ chơi nhỏ hơn lõi cuộn giấy thì nó không an toàn đối với trẻ dưới 3 tuổi.
4. Đồ chơi chắc chắn bao giờ cũng an toàn hơn: Đồ chơi càng chắc chắn càng an toàn hơn cho trẻ. Nên kiểm tra các khớp nối giữa các bộ phận của đồ chơi để đảm bảo nó không bị tách thành các phần nhỏ hay bị sập gãy khi trẻ chơi với cường độ mạnh. Nên nhớ, trẻ em không phải là người lớn, chuyện chúng thích quăng quật, đập đồ chơi là chuyện bình thường. Ngoài ra cần kiểm tra các góc cạnh của đồ chơi để tránh góc nhọn, sắc, nhô ra có thể khiến trẻ bị thương khi chơi.
5. Dự phòng các tổn thương có thể xảy ra: Không có đồ chơi nào an toàn tuyệt đối, nhất là một số loại đồ chơi có tạo lực. Đồ chơi phóng được vào không khí như các loại súng, phi tiêu và các loại đồ chơi có tia laze có thể gây tổn thương nghiêm trọng vào mắt. Đồ chơi phức tạp có thể gây nghẹn. Khi chọn đồ chơi bắn được hay thắt được, cần đảm bảo rằng trẻ đủ lớn để biết chơi một cách an toàn.
6. Cẩn thận với nam châm và pin: Các đồ chơi hiện nay thường có rất nhiều loại nam châm, pin đi kèm bo mạch điện tử. Nên nhớ, nam châm và pin là hai thành phần cực kỳ nguy hiểm và độc hại. Nếu trẻ nuốt phải nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng về đường ruột.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em quy định: ĐCTE sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo QCKTQG về an toàn ĐCTE.
Quy chuẩn nêu rõ: Đối với các loại ĐCTE dùng điện thì không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong ĐCTE có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. ĐCTE cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hợp chất hữu cơ độc hại.
|
Theo VietQ.vn