Doanh nghiệp vàng cạnh tranh lành mạnh sau Thông tư 22

Doanh nghiệp vàng cạnh tranh lành mạnh sau Thông tư 22
Thông tư 22 ra đời nhằm ổn định lại thị trường vàng... (Ảnh Interner)Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH-CN có hiệu lực từ ngày 1/6 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, được cho là một bước chuyển tích cực, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đang được các doanh nghiệp đặt ra với Bộ KH&CN như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang hiện đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào, hay nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ là bao nhiêu?
PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư 22 về một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Lộ trình áp dụng phù hợp
Theo ông, việc áp dụng thông tư 22 đối với thị trường vàng trong nước sẽ đem lại những hiệu quả gì?
Ông Trần Văn Vinh: Đó chính là sự công khai, minh bạch đối với thị trường vàng. Thông qua đó làm giảm và hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ.Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với vàng trang sức và mỹ nghệ, đồng thời xác định rõ phương pháp thử nghiệm làm cơ sở để xử lý vi phạm.
Có nhiều ý kiến cho rằng 8 tháng thì không đủ cho các bước chuẩn bị để doanh nghiệp vàng trang sức thực hiện đủ các yêu cầu tại Thông tư 22. Trong khi các nước khác trên thế giới, bước chuyển dài hơn trước khi thông tư có hiệu lực để các doanh nghiệp chuẩn bị? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Thông thường, theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Mặc dù Thông tư 22 được ký ban hành từ ngày 26/9/2013 nhưng ngay từ khi xây dựng, Bộ KH&CN đã tính đến thời gian cần thiết và lộ trình thích hợp để các Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ có đủ thời gian để thực hiện theo các quy định mới.
Do đó, hiệu lực của Thông tư đã được xác định là sau khoảng 8 tháng kể từ khi ký ban hành. Với nội dung này đã nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan quản lý, Ngân hàng nhà nước, các bên liên quan, kể cả Hiệp hội Kinh doanh vàng.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn hết sức thụ động trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới mà doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh. Khi chuẩn bị đến thời hạn phải áp dụng theo quy định theo quy định mới thì mới xem xét thực hiện nên bị “khớp”, “hoang mang” khi không hiểu rõ hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện theo quy định. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện theo Thông tư mới và rất sẵn sàng cho việc thực hiện Thông tư.
Quy định tại Thông tư 22 áp cho tất cả sản phẩm mới, cũ trên thị trường trang sức, tạo nên sự khó khăn cho doanh nghiệp trong xử lý hàng tồn. Theo ông, liệu có cần lùi thời hạn áp dụng để các doanh nghiệp có đủ thời gian xử?
Tôi xin khẳng định Thông tư 22 không có khái niệm hàng tồn. Khi Thông tư có hiệu lực, thì tất cả vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu về đo lường và chất lượng theo quy định tại Thông tư. Khoảng thời gian 8 tháng trước khi Thông tư chính thức có hiệu lực cũng chính là khoảng thời gian để giải quyết các sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.
Chưa kể Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã có hiệu lực từ khoảng tháng 5 năm 2012 (tức là khoảng 2 năm trước đây) đã có quy định vàng trang sức mỹ nghệ phải đóng ký mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, phải công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Do vậy, không thể nói là không có thời gian để xử lý hàng “tồn”. Có lẽ tôi phỏng đoán rằng những doanh nghiệp nào vẫn có tư tưởng gian lận về tuổi vàng để kiếm lời thì sẽ cho rằng khó thực hiện theo thông tư hoặc không đủ thời gian để thực hiện! Mặc dù thông tư không quy định thêm bất cứ một Thủ tục hành chính mới nào cho doanh nghiệp mà chỉ đơn giản là công bố đúng chất lượng sản phẩm mà mình bán!
Hạn chế tối đa mức sai số
Vậy, với mức sai số hiện nay của các doanh nghiệp thường từ 1 – 3%, trong khi đó theo Thông tư 22 thì mức sai số chỉ là 0,1 – 0,3%? Quan điểm của Tổng cục về vấn đề này như thế nào?
Giả sử ý kiến cho rằng mức sai số hiện nay từ 1 – 3% là đúng thì rất có thể vàng 99,99% chỉ còn là 96,99% (sai số 3%). Trong quá trình xây dựng thông tư, giới hạn sai số cho phép đã được tham khảo của một số quốc gia trên thế giới có những quy định khá tương đồng cũng như đã được lấy ý kiến của Hiệp hội vàng, Ngân hàng nhà nước và các bên liên quan. Đa số đều thống nhất quy định giới hạn sai số này thậm chí có khá nhiều đơn vị đề nghị phải quy định giới hạn sai số nhỏ hơn nữa! Điều này sẽ hạn chế tối đa sự gian lận trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, móc túi người tiêu dùng.
Mục tiêu của thông tư là mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, trong trường hợp doanh nghiệp ghi đúng tuổi, nhưng tăng giá bán và tiền công lên thì người tiêu dùng có còn được lợi?
Quyền lựa chọn mua loại vàng nào tôi cho rằng đây là quyền của người tiêu dùng. Cùng một loại vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng như nhau nhưng cũng có thể có giá khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: thiết kế của sản phẩm vàng, mẫu mã của sản phẩm vàng trang sức, độ tinh xảo, giá trị thương hiệu của sản phẩm vàng…
Tuy nhiên, người tiêu dùng phải có quyền được mua vàng trang sức có đúng hàm lượng vàng, khối lượng vàng như nhà sản xuất đã công bố. Người tiêu dùng không thể bị móc túi khi mua vàng có hàm lượng vàng thực tế ít hơn hàm lượng vàng đã công bố. VD: nhà sản xuất công bố vàng là 18K (tương đương là 75%) nhưng thực tế  mua về kiểm tra lại chỉ có 16K (tương đương 66,6%). Đây là hành vi gian lận tuổi vàng. Thông tư 22 sẽ làm giảm các hành vi gian lận này.
Tổ chức đủ điều kiện được kiểm định
Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện tại chưa có một trung tâm kiểm định độc lập được chỉ định để thực hiện việc thử nghiệm xác định hàm lượng vàng, vậy ai sẽ làm nhiệm vụ này, có phải Quatest  chăng?
Thông tư đã quy định cụ thể yêu cầu đối với các tổ chức thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, các tổ chức này phải có năng lực, trình độ, hệ thống quản lý, thiết bị, con người, điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng được việc thử nghiệm vàng.
Các đơn vị nào đáp ứng các quy định tại thông tư đều có thể đăng ký để được xem xét chỉ định, không hạn chế đơn vị nào. Chúng tôi hoan nghênh một số doanh nghiệp cũng đã xem xét xây dựng năng lực thử nghiệm vàng để đăng ký chính thức
Hiện nay, Tổng cục TĐC đã chỉ định 02 tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng, đó là: Trung tâm Kỹ thuật TC ĐL CL 1 (tại Hà Nội) và Trung tâm Kỹ thuật TC ĐL CL 3 (tại TP.Hồ Chí Minh) và đang tiếp tục xem xét một số hồ sơ đăng ký chỉ định thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của tổ chức thử nghiệm để tiếp tục chỉ định trong thời gian tới.
Danh sách các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục TĐC.
Đối với việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức, đặc biệt ở các cửa hàng vàng nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được quản lý, giám sát như thế nào?
Thực ra, việc kiểm soát và thực hiện các quy định về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt cửa hàng nhỏ lẻ hay ở vùng sâu vùng xa. Nói cách khác, cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, nhỏ lẻ nếu kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì cũng phải tuân thủ các quy định về kinh doanh vàng.
Bên canh đó, Bộ KH&CN đã giao việc thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:
Về kiểm tra: Giao cho Chi cục TC ĐL CL tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Về thanh tra: Giao cho Thanh tra Sở KHCN tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Liệu Bộ KH&CN có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong công tác thực thi thông tư 22 đến các doanh nghiệp hay không?
Khi ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, Bộ KHCN cũng đã tính đến thời hạn hiệu lực áp dụng của văn bản này để có thời gian tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, do đó, Thông tư 22 quy định thời hạn hiệu lực là từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, tức là có hơn 8 tháng kể từ ngày ban hành để chuẩn bị. Đây chính là khoảng thời gian để các doanh nghiệp thực hiện việc ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm vàng hiện nay đã lưu thông trên thị trường.
Ngay sau khi Thông tư 22 được ban hành, bên cạnh một số doanh nghiệp có uy tín, chủ động thực thi các quy định tại Thông tư 22 thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, thụ động mặc dù Thông tư 22 sắp có hiệu lực thi hành (ngày 01/6/2014). Điều này sẽ gây cản trở khả năng cạnh tranh của những sản phẩm có hàm lượng vàng được công bố chính xác với các sản phẩm vàng có chất lượng không như công bố.
Xin cảm ơn ông!
                                                                             Theo truyenthongkhoahoc.vn
 

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập174
  • Hôm nay48,966
  • Tháng hiện tại1,366,252
  • Tổng lượt truy cập4,071,456
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây