4 loại mũ bảo hiểm phải đảm bảo TCVN 5756:2017 khi bán ra

Đó là thông tin tại hội nghị phổ biến về tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy được Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tổ chức sáng nay 12/12.

4 loại mũ bảo hiểm phải đảm bảo TCVN 5756:2017 khi bán ra

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; Vụ Khoa học công nghệ; Vụ An toàn Giao thông; Vụ Tiêu chuẩn; Trung tâm Chứng nhận Tiêu chuẩn; Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra hội nghị còn có sự tham dự của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm; Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Hiện nay Việt Nam có hơn 50 triệu xe máy đăng ký, xe máy chiếm tới trên 85% dòng giao thông, hơn 70% vụ tai nạn giao thông hiện nay có liên quan tới xe máy.

Đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, mũ bảo hiểm có chức năng bảo vệ vùng đầu và gần như là dụng cụ bảo vệ duy nhất đối với cơ thể khi xảy ra tai nạn. Các loại mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, mũ bảo hiểm giả chắc chắn sẽ không đủ khả năng bảo vệ đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, thậm chí gây chấn thương nặng hơn.

Bởi vậy việc phố biến, giáo dục và tuyên truyền cho cộng đồng hiểu được thế nào là một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn và tác dụng của việc sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn là vô cùng cần thiết. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã và sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan ban ngành liên quan cùng vào cuộc để giải quyết các vấn đề liên quan tới mũ bảo hiểm không đạt chuẩn”.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam hiện tại, mũ bảo hiểm đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Rà soát và điều chỉnh lại tiêu chuẩn của mũ bảo hiểm tại thời điểm này là việc làm hết sức cần thiết. Thông qua hội nghị này, mong muốn các cơ quan ban ngành đều hiểu và nắm rõ được nội dung kỹ thuật mới của tiêu chuẩn chất lượng về mũ bảo hiểm và triển khai theo kế hoạch.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á - AIP cũng cho hay: “Hiện nay, vấn nạn về mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đang vẫn còn gây bức xúc rất nhiều trong dư luận. Tôi cho rằng, việc phổ biến tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành liên quan trong thời điểm này là vô cùng quan trọng và cấp thiết”.

Giới thiệu về Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017, ông Nguyễn Duy Trinh - Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết, Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 thay thế cho hai Tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 về mũ bảo vệ cho người đi mô tô và xe máy và TCVN 6979:2001 về mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô, xe máy.

Phạm vi áp dụng của Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 áp dụng cho các loại mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự, khi tham gia giao thông. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các loại mũ chuyên dụng dùng cho môn thể thao đua xe hoặc các loại phương tiện khác. Theo đó, mũ bảo hiểm được phân thành 4 loại: mũ che nửa đầu, ba phần tư đầu, che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm với những yêu cầu kỹ thuật sát với thực tế hơn.

Yêu cầu về thử nghiệm va đập và hấp thu xung động trong Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 có sự thay đổi. Đó là bỏ phần quy định về độc tố cho phù hợp với quốc tế. Ngoài ra, thuần hóa mẫu trước khi thử nghiệm có thêm phần nhiệt độ thấp (-10oC) để hạn chế dùng nhựa tái sinh. Phương pháp thử nghiệm độ bền va đập và hấp thu xung động mũ che nửa đầu, ba phần tư đầu chỉ thử tại 2 vị trí và mỗi vị trí thử 01 lần (TCVN 5756:2001 thử tại 4 vị trí và mỗi vị trí thử 02 lần). Đây cũng là điểm mới của Tiêu chuẩn 5756:2017.

Theo ông Đinh Văn Trữ - nguyên Phó giám đốc Quatest 3 - Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 đã được soát xét sau một thời gian dài với những yêu cầu kỹ thuật phù hợp hơn, cụ thể, sát với thực tế hơn so với Tiêu chuẩn TCVN cũ ở chỉ tiêu va đập và hấp thu xung động.

TCVN 5756:2017 đã gộp nội dung kỹ thuật của cả TCVN 6979:2001 Mũ bảo vệ cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe máy và TCVN 5756:2001 Mũ bảo vệ cho người đi mô tô, xe máy. Tiêu chuẩn TCVN 5756:2017 đã được đổi tên thành Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô và xe máy có các chỉ tiêu kỹ thuật được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm tại Việt Nam, cụ thể: đã quy định thêm kiểu mũ che 3/4 đầu, đã điều chỉnh lại chỉ tiêu va đập, hấp thụ xung động, chế độ thuần hóa mũ khi thử nghiệm, quy định thêm chất lượng của kính bảo vệ có màu sử dụng vào ban ngày dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn JIS T 8133:2007, CNS 2396, Z 2009 của nước ngoài.

Tiêu chuẩn TCVN 5756 mũ bảo vệ dùng cho người đi mô tô xe máy đầu tiên được ban hành lần đầu vào năm 1993. Đến năm 2001, TCVN 5756:1993 được soát xét lại và công bố ban hành năm 2001. Cùng với việc soát xét TCVN 5756:1993 năm 2001, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thêm TCVN 6979:2001 liên quan đến việc sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe máy.

Năm 2008 – Bộ Khoa học Công nghệ ban hành QCVN 2:2008/BKHCN, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy.

Đến năm 2015, theo đề nghị của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đưa vào kế hoạch và triển khai soát xét lại TCVN 5756:2001.

Đến năm 2017, TCVN 5756:2017 Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô và xe máy đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo quyết định số 2886/QĐ-BKHCN ngày 24/10/2017.

                                                                                                             Theo VietQ.vn

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay48,659
  • Tháng hiện tại1,239,258
  • Tổng lượt truy cập3,944,462
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây