Ngày 13/10/2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị, bao gồm các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững và nhiều hơn thế nữa. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa hoc và Công nghệ Trần Văn Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải, các bộ, ngành Trung ương và chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố.
Với thông điệp: Có đủ nước ngọt để sử dụng; có đủ năng lượng sạch; có thể di chuyển một cách hiệu quả từ nơi này đến nơi khác; có cảm giác an toàn và an ninh là những hứa hẹn mà một thành phố hiện đại phải đáp ứng nếu như muốn chứng tỏ ưu thế và mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho công dân mình. Hội thảo đã đưa ra các thuật ngữ, các chỉ số về một thành phố thông minh phải đạt được cũng như các rào cản và thách thức với các cơ quan quản lý và các thành phố đã, đang xây dựng thí điểm về phát triển đô thị thông minh.
Hiện tại có gần 30 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo, ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước để xây dựng mô hình đô thị thông minh. (Miền Bắc: 13; miền Trung và Tây nguyên: 9; miền Nam: 7) và 4 dự án đô thị thông minhvà bền vững: Chương trình phát triển đô thị toàn diện tại thủ đô Hà Nội; Đồi vàng; Công viên công nghệ cao Hòa Lạc và thành phố sinh thái Hồng Hà. Và việc xây dựng một thành phố thông minh là vấn đề không hề đơn giản ở mỗi nước, mỗi thành phố. Trong khi đó ở Việt Nam còn nhiều rào cản và thách thức như:
- Chưa có định nghĩa thống nhất các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về đô thị thông minh;
- Cách hiểu về đô thị thông minh được hiểu thuần túy là sự kết nối của công nghệ thông tin trong đô thị hay còn gọi là đô thị kỹ thuật số với các tầng: Cảm biến – Tầng mạng – Tầng nền tảng – Tầng ứng dụng… mà chưa gắn liền với vấn đề phát triển bền vững và khả năng tái phục hồi;
- Xuất phát điểm về ứng dụng khoa học và công nghệ thấp, đặc biệt trong các lĩnh vực như sử dụng năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục,môi trường, cơ sở hạ tầng…;
- Chưa xác định được đích đến cụ thể trong việc phát triển đô thị thông minh;- Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế, chưa đồng bộ…
Vì vậy, để việc xây dựng, phát triển được một thành phố thông minh, bền vững đòi hỏi phải có sự thống nhất, kết hợp nhiều giải pháp của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân của thành phố đó và không thể thiếu các tiêu chuẩn quốc tế để giúp mọi thứ cùng hoạt động an toàn và trơn tru ở mọi cấp độ của thành phố. Thật tuyệt vời khi biết rằng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ cho sự phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả và toàn diện./.
Lê Thị Lý
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng