Bước đột phá trong đo lường quốc tế

Chúng ta đã sử dụng đo lường từ những thời kỳ đầu tiên. Ngày nay, cộng đồng khoa học của thế giới đang tạo ra một thay đổi cơ bản trong cách chúng ta đo lường mọi thứ bằng cách xác định lại kilôgam, kenvin, ampere và mol, bốn trong bảy đơn vị cơ bản của Hệ đơn vị quốc tế (SI). Bộ tiêu chuẩn ISO và IEC đóng một vai trò quan trọng.

Bạn có biết rằng một kilôgam thông thường, cho đến bây giờ, được xác định bằng một vật có trọng lượng một kg? Và đơn vị đo nhiệt độ - kenvin - được dựa trên một tính chất nội tại của nước? Mặc dù điều này đã duy trì trong nhiều thế kỷ, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã phát hiện ra rằng, theo thời gian, các định nghĩa này đã được chứng minh là không ổn định 100 %. Vì vậy, giờ đây, họ đã chính thức đồng ý rằng tất cả các đơn vị đo lường sẽ được xác định bởi các hằng số tự nhiên hơn là đối tượng vật lý - một sự thay đổi lớn nhất trong đo lường quốc tế kể từ năm 1875.

Các định nghĩa được đưa vào "kinh thánh" của cộng đồng khoa học, SI Brochure, do Viện Cân Đo Quốc tế (BIPM) xuất bản, trong đó viện dẫn đến bộ tiêu chuẩn ISO và IEC 80000 Đại lượng và đơn vị - được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) công bố. Bộ tiêu chuẩn này đưa ra tên gọi, định nghĩa và ký hiệu quốc tế cho các đại lượng được sử dụng trong khoa học và kỹ thuật và các đơn vị tương ứng của chúng, từ đó đảm bảo ngôn ngữ thống nhất và giảm nguy cơ sai lỗi.

Ngày 16/11 vừa qua, các nhà khoa học đo lường đến từ hơn 60 quốc gia đã gặp nhau tại Hội nghị toàn thể về Cân Đo (CGPM) được tổ chức tại Versailles, Pháp, để phê chuẩn các định nghĩa lại của SI.

Cũng trong hội nghị, Tổng thư ký ISO Sergio Mujica đã ký tuyên bố chung về liên kết chuẩn đo lường để chứng minh cam kết của ISO trong việc tiếp tục hợp tác với BIPM, OIML (Tổ chức quốc tế về đo lường pháp quyền) và ILAC (Tổ chức hợp tác công nhận phòng thí nghiệm quốc tế). Tuyên bố nêu rõ tính thống nhất và so sánh quốc tế chỉ có thể được đảm bảo nếu kết quả đo lường được liên kết theo các chuẩn được quốc tế công nhận, và do đó là cơ sở cho cả bốn tổ chức.

Bình luận về hội nghị này, ông Mujica cho biết quyết định xác định lại bốn trong bảy đơn vị cơ bản cho SI là một bước đột phá lịch sử.

"Việc áp dụng các phép đo chuẩn hóa là những gì đã tạo ra nền kinh tế toàn cầu - tác động đến mọi khía cạnh của khoa học và kỹ thuật," ông nói. “Định nghĩa lại này có nghĩa là chúng ta không còn phải dựa vào các đối tượng vật lý để đo lường một cách chính xác nữa. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến thế giới bằng cách đẩy nhanh đổi mới và giảm chi phí phát triển công nghệ. Nó sẽ thúc đẩy tiến bộ trong khoa học đo lường cho các thế hệ sau.”

Bộ tiêu chuẩn ISO và IEC 80000 bao gồm sự hài hoà các thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu quốc tế về đại lượng và đơn vị được sử dụng trong khoa học và kỹ thuật và do đó đảm bảo ngôn ngữ thống nhất và công thức tính. Nó làm giảm nguy cơ sai lỗi đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích sự trao đổi giữa các nhà khoa học và kỹ sư của nhiều ngành.

Trong SI Brochure viện dẫn, bộ tiêu chuẩn này bao gồm 13 phần khác nhau, trong đó 11 phần từ ISO và 2 phần từ IEC. Bộ tiêu chuẩn đưa ra các thuật ngữ, định nghĩa, các ký hiệu khuyến nghị, các đơn vị và mọi thông tin quan trọng khác liên quan đến đại lượng được sử dụng trong khoa học, kỹ thuật, đo lường và công nghiệp. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn cung cấp một tài liệu tham khảo cho những người viết tài liệu khoa học hoặc kỹ thuật, sách giáo khoa, tiêu chuẩn và hướng dẫn.

Việc soát xét, sửa đổi bộ ISO 80000 diễn ra đồng thời với việc sửa đổi SI Brochure trong vài năm qua và dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019.

 

(Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây