Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của tỉnh Hải Dương trong mùa vải 2021đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mở màn cho mùa xuất khẩu quả vải năm 2021.
Ngày 18/5/2021, lễ xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của mùa vải năm 2021 sang thị trường Nhật Bản đã được UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương long trọng tổ chức.
Nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình VietGAP nên vải thiều Thanh Hà không bị sâu, mã quả dần được cải thiện, sáng đẹp hơn trước. Với hơn 3.300 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vải thiều Thanh Hà được biết đến là trái cây đặc sản sạch, một món quà quý, chất lượng cao có thể ăn, làm quà biếu, tặng. Ở đây đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.. Thực tế nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.
Trước khi thu hoạch, nông dân Thanh Hà bắt buộc phải dừng phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 ngày để dư lượng thuốc ở mức thấp nhất, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn.
Theo ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, những năm qua, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Công tác kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm nay được tổ chức trực tiếp tại Hội trường kết hợp với kết nối trực tuyến tới 5 điểm cầu trong nước gồm: TP.Hà Nội, TPHCM, tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh và 14 điểm cầu nước ngoài, gồm 7 điểm cầu tại Trung Quốc và 7 điểm cầu tại các nước Mỹ, Pháp, Anh, Singapore, Nhật Bản, Úc, Bỉ.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0.
Đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo. Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hình thức bán hàng này mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Người tiêu dùng mọi miền đất nước, quốc tế sẽ biết đến vải thiều Thanh Hà một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.
Nguồn: VietQ.vn