Cắt giảm nhiều chứng từ phải nộp, xuất trình khi kiểm tra chất lượng hàng hoá .

CẮT GIẢM NHIỀU CHỨNG TỪ PHẢI NỘP, XUẤT TRÌNH KHI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Trình tự, thủ tục có nhiều điểm đổi mới, cải cách tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cắt giảm nhiều chứng từ phải nộp, xuất trình khi kiểm tra chất lượng hàng hoá .

Bám sát Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Theo ban soạn thảo, tại chương II quy định trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu quy định rất cụ thể từng phương thức kiểm tra. Cơ sở để xây dựng bám sát quy định "Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mục 1 Chương này quy định cụ thể về hàng hóa phải công bố hợp quy, trình tự thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy, cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy.

Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục từ chặt, đến thông thường, đến giảm, thậm chí miễn kiểm tra chất lượng, áp dụng đối với hàng hóa đã công bố hợp quy và đối với hàng hóa nhập khẩu chưa công bố hợp quy.

Riêng đối với phương tiện, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu là hàng hóa nhóm 2 theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhưng là hàng hóa mang tính đặc thù nên trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với phương tiện, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu được quy định riêng tại một mục.

Với nguyên tắc kế thừa quy định và thực tiễn tốt đã được triển khai đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực của Bộ Giao thông vận tải; Cơ quan kiểm tra đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải là Cục Đăng kiểm Việt Nam; toàn bộ trình tự, thủ tục thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia về cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành; về phương thức kiểm tra đối với phương tiện quy định tại dự thảo Nghị định và quy định hiện hành giống nhau bao gồm: kiểm tra chặt và kiểm tra xác suất.

Xuyên suốt nội dung chương quy định trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu là các điểm cải cách nổi bật.

Trong đó, điểm cải cách đáng chú ý là doanh nghiệp được đăng ký cơ quan kiểm tra, lựa chọn tổ chức thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm (đối với hàng hóa thuộc trường hợp phải lấy mẫu để thử nghiệm).

Quy định trên sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đăng ký cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng theo các phương thức kiểm tra.

Nội dung này đã thể chế hóa “cơ quan kiểm tra” theo nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn giản hồ sơ đăng ký kiểm tra

Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra nhà nước về chất lượng tại dự thảo Nghị định cũng cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ đăng ký kiểm tra.

Dự thảo Nghị định quy định hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng gồm 3 chứng từ sau: Bản đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin ban hành kèm theo Nghị định; Hóa đơn thương mại (bản chụp), ảnh nhãn hàng hóa hoặc bản thiết kế hoàn chỉnh nhãn hàng hóa dưới dạng dữ liệu điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn theo quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóá (bản chụp).

So với quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định đã cắt giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra chất lượng. Những chứng từ được cắt giảm là những chứng từ hiện nay quy định là “nếu có”. Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện.

Đối với trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm: tổ chức, cá nhân sau khi tra cứu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xác định hàng hóa nhập khẩu của mình được áp dụng phương thức kiểm giảm thì khai mã số đăng ký bản công bố hợp quy của hàng hóa cùng tên gọi, mã HS, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật, cơ sở sản xuất, nước xuất xứ trên tờ khai hải quan. Cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đăng ký mã số công bố hợp quy trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với hồ sơ nhập khẩu hàng hóa để quyết định việc thông quan hàng hóa theo quy định.

Quy định như trên nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu; cắt giảm hồ sơ, chứng từ, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức, cá nhân không phải thực hiện thủ tục, nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng mà chỉ cần khai mã số đăng ký bản công bố hợp quy của hàng hóa trên tờ khai hải quan để được quyết định việc thông quan hàng hóa. Đối với 5% hàng hóa phải kiểm tra hồ sơ, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động lựa chọn ngẫu nhiên lô hàng và phản hồi cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Nội dung này đã thể chế hóa cải cách 3 tại Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tại quy trình trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu cũng có nhiều quy định đơn giản hóa trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy; quy định trình tự thủ tục kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra; hay quy định áp dụng đầy đủ 3 phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm; đồng thời cải cách về trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với phương tiện, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

 Nguồn: quatest3.com.vn


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập160
  • Hôm nay54,035
  • Tháng hiện tại1,263,014
  • Tổng lượt truy cập3,968,218
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây