Cũng trong phạm vi hoạt động của Chương trình trên, sẽ tiến hành cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra.
Đồng thời, phấn đấu triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.
Những cách thức xử lý khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng như: xem xét hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tập trung; hỗ trợ chuyển đổi sang nghề sản xuất không gây ô nhiễm; xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường khu vực trong làng bị ô nhiễm sau khi đã di dời các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm; cô lập, cách ly, bao vây ngăn chặn ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu ra môi trường xung quanh; xây dựng các hệ thống an toàn để ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm;....
Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015 với tổng mức vốn là 5.863 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Kiên Trung, Trưởng phòng Phòng Cải thiện môi trường, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sắp tới Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành tiêu chí xác định làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Tiêu chí này sẽ là cơ sở hàng năm xác định các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Được biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động nông thôn. Song thực tế khá phổ biến tình trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường.
Qua khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường- Đại học Bách khoa Hà Nội, có tới 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước mặt và nước ngầm nơi đây đều có dấu hiệu ô nhiễm.
Chỉ đơn cử như tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, 123 cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề tái chế kim loại chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải; chất thải rắn cũng không được thu gom; hầu hết các cơ sở cũng chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường.
Hay như ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), mỗi tháng, làng nghề chạm bạc hóa mạ trung bình 5 tấn thau, 2 tạ bạc, 30kg vàng. Nguồn nước thải không qua xử lý mà thải thẳng xuống ao, hồ, cho nên có rất nhiều thành phần độc hại, vượt tiêu chuẩn cho phép...
(TheoMoitruongxanh)