Loạn thuốc bảo vệ thực vật

  Do quản lý lỏng lẻo, việc cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật dễ dàng đang khiến thị trường này bị nhiễu loạn, nông dân dễ mua phải thuốc kém chất lượng.

Thuốc bảo vệ thực vật được xem là cứu cánh cho nhà nông khi sâu, bệnh hoành hành. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, việc cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật dễ dàng đang khiến thị trường này bị nhiễu loạn, nông dân dễ mua phải thuốc kém chất lượng.

Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, trong 100 người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  thì có 15 người vi phạm nguyên tắc sử dụng khiến thuốc không phát huy hiệu quả

Nông dân chịu thiệt

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) than thở: "Tôi phải xin nghỉ phụ hồ gần 1 tuần nay để ở nhà bắt ốc bươu vàng. Vụ trước tôi chỉ cần rắc hai gói thuốc trừ ốc bươu vàng nhãn hiệu "Con khỉ" là ốc chết như ngả rạ. Bây giờ rắc đến 9 gói mà ốc vẫn không chết. Vụ xuân này, thời tiết ấm lại mưa nhiều nên ốc sinh sôi nhanh. Nếu tôi không nghỉ làm để bắt ốc thì chẳng mấy chốc ruộng lúa chỉ còn toàn gốc". 

Chị Thu đang rắc phân bón thúc cho ruộng lúa bên cạnh nói thêm vào: "Hiện nay có quá nhiều loại thuốc để diệt ốc bươu vàng. Nông dân chúng tôi không tự kiểm tra được chất lượng nên chỉ biết nghe theo tư vấn của người bán hàng. Nếu may mắn mua được thuốc tốt thì nhàn, còn nếu không vừa tốn tiền lại tốn công". 

Theo chỉ dẫn của chị Hương, tôi tìm đến cửa hàng nơi chị đã mua thuốc diệt ốc nhưng ốc không chết. Cửa hàng ngay trên đường 391, nhưng do không đề biển bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên phải đi lòng vòng và hỏi nhiều người tôi mới tìm được đến nơi. Hỏi mua thuốc diệt ốc bươu vàng, tôi được chủ cửa hàng giới thiệu 5 loại thuốc có nhãn hiệu na ná nhau. Loại đắt nhất giá 10.000 đồng/gói, loại rẻ nhất 2.000 đồng/gói. Chủ cửa hàng cho biết, nông dân ở đây thường dùng loại thuốc diệt ốc Oosaka 700 WP giá 5.000 đồng/gói bởi vừa diệt ốc tốt, giá cả lại phải chăng. Trên bao bì tôi thấy ghi là sản phẩm của Singapore nhưng không hề đề tên doanh nghiệp nhập khẩu. Đây cũng chính là loại thuốc chị Hương đã mua.

Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV bỏ quên quyền lợi của nông dân. Thay vì cung ứng những sản phẩm tốt nhất cho bà con, các đại lý thường nhập về bán những sản phẩm có nhãn hiệu 

 "Nông dân chúng tôi không tự kiểm tra được chất lượng nên chỉ biết nghe theo tư vấn của người bán hàng. Nếu may mắn mua được thuốc tốt thì nhàn, còn nếu không vừa tốn tiền lại tốn công".

gần giống nhau nhưng chất lượng khác nhau. Thậm chí, người dân phải mua thuốc chất lượng kém nhưng lại trả tiền với giá tương đương sản phẩm tốt. Ông Nguyễn Văn Xã ở thôn Quang Bị, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết: "Hôm trước, ruộng lúa nhà tôi bị bệnh đạo ôn lá, tôi đến đại lý X. B tại chợ Đọ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) để mua thuốc về phun trừ. Chủ đại lý bán cho tôi thuốc có tên Filie SE. Sau khi phun được 3 ngày thấy lá lúa vẫn bị cháy khô, tìm lại vỏ bao thuốc đã mua tôi mới biết thuốc đã phun không phải là thuốc  Filia 525SE của Công ty CP BVTV An Giang mà là thuốc nhái của Trung Quốc. Mặc dù đã được đại lý trả lại tiền nhưng lúa bị cháy lá nhiều nên phát triển kém".  

Hiện nay, đa phần nông dân thường sử dụng thuốc BVTV dựa trên kinh nghiệm mà thiếu những kiến thức cần thiết để lựa chọn loại thuốc phù hợp, nhất là cách nhận biết thuốc BVTV thật  hay giả. Phần lớn nông dân vẫn trông cậy vào sự tư vấn và hướng dẫn của các đại lý mà không quan tâm đến danh mục các loại thuốc cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo dùng. Do đó, khi nông dân mua phải thuốc BVTV kém chất lượng, thậm chí thuốc giả cũng chỉ biết bắt đền đại lý hoặc ngậm ngùi chịu thiệt. 

Nhiều nguyên nhân

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV, có nhiều nguyên nhân khiến thuốc BVTV không phát huy tác dụng như ghi trên bao bì sản phẩm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nông dân mua phải thuốc kém chất lượng hoặc mua phải thuốc tốt nhưng sử dụng không đúng cách. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV không dám làm giả hoạt chất chính có trong thuốc mà chủ yếu làm giả phụ gia đi kèm. Trong thuốc BVTV, phụ gia có vai trò quan trọng đối với khả năng diệt trừ sâu bệnh. Nếu phụ gia không bảo đảm, khả năng bám dính kém khiến thuốc dễ bị rửa trôi, thuốc không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân thứ hai do nông dân không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Chẳng hạn, khi rắc thuốc diệt ốc bươu vàng mà để mực nước cao hơn khuyến cáo trên bao bì sẽ khiến thuốc bị pha loãng, không đủ nồng độ để ốc chết. Nông dân có thể sử dụng thuốc quá nồng độ từ vụ trước khiến vụ sau cũng loại thuốc đó nhưng pha với nồng độ như hướng dẫn nhưng sâu đã nhờn thuốc, không chết khiến nông dân nhầm tưởng đó là thuốc giả.

Lực lượng thanh tra thuốc bảo vệ thực vật mỏng khiến việc kiểm soát chất lượng thuốc gặp nhiều khó khăn.  Trong ảnh: Kiểm tra một đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở Thanh Miện

Theo thống kê của Chi cục BVTV, toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhưng mới chỉ có hơn 800 cửa hàng, đại lý được cấp phép. Nhiều chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV không được đào tạo bài bản, chỉ qua những lớp đào tạo ngắn là có thể được cấp chứng chỉ hành nghề. Trên thị trường hiện cũng có quá nhiều nhãn hiệu thuốc BVTV được lưu hành, trong đó có loại tên thương phẩm khác nhau nhưng thực tế có cùng thành phần, hàm lượng, công dụng. Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: "Lực lượng thanh tra thuốc BVTV mỏng trong khi mạng lưới kinh doanh thuốc BVTV ở tỉnh ta nhiều nên việc kiểm tra, kiểm soát không dễ".

Hiện nay nhiều doanh nghiệp quảng cáo hoặc bán thuốc BVTV không thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước mà làm việc thẳng với các địa phương. Nhiều nơi bán thuốc BVTV mới qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nhưng không làm mô hình thử nghiệm trước khi bán. Nông dân sử dụng loại thuốc mới không được thử nghiệm rất dễ gặp rủi ro. Chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh cũng buông lỏng quản lý, chưa thực sự sát sao trong việc kiểm soát các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn của mình. "Khi chúng tôi đến kiểm tra tình hình kinh doanh thuốc BVTV ở các xã thì hầu hết chính quyền địa phương thú nhận quản lý chưa hiệu quả thị trường này. Hiện nay, đa phần các địa phương mới dừng ở tuyên truyền, phổ biến chứ chưa kiểm tra, xử phạt được trường hợp vi phạm  nào. Nhiều nơi còn xuê xoa, dễ dãi trong việc cấp phép kinh doanh thuốc nên càng khiến thị trường thuốc BVTV rối loạn", bà Nhị nói. 

(Theo baohaiduong.vn)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây