Thực hiện NĐ 115: Cần thay đổi quan điểm của cấp vĩ mô

 
Vũ Cao Đàm

Nhiều viện giải trình mình là “nghiên cứu cơ bản”
để khỏi phải “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”
Sau khi Nghị định 115 được ban hành, một loạt viện đã giải trình mình là “nghiên cứu cơ bản” để khỏi phải “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Thật kỳ lạ, chính nghiên cứu cơ bản mới cần tự trị, thì ở ta, nghiên cứu cơ bản lại đòi chui vào thòng lọng nhà nước. Vì sao lại xuất hiện “cổ tích” này?
Nghị định 115/2005/NĐ-CP (Nghị định 115) ra đời cách đây 10 năm là một thiết chế về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập. 

Bản chất, “quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, nói rõ ra, là (1) Quyền tự quyết định phương hướng nghiên cứu và (2) Quyền huy động các nguồn lực để thực hiện các phương hướng nghiên cứu đó. Trong hệ khái niệm về quản lý KH&CN của thế giới, đó chính là quyền tự trị của tổ chức KH&CN - thuộc tính bản chất của khoa học.

Nhìn suốt lịch sử KH&CN, chúng ta nhận ra, có bốn triết lý về thái độ của các nhà nước đối với KH&CN như sau1:

KH&CN là mối quan tâm tư nhân, nhà nước không quan tâm. 

Nhà nước quan tâm đến KH&CN một cách bình đẳng với tư nhân. Đây là khi nhà nước nhận ra, KH&CN có vai trò trong phát triển xã hội.

Nhà nước độc tôn giành quyền làm KH&CN, thâu tóm mọi sáng kiến KH&CN của các cá nhân vào quỹ đạo điều hành của nhà nước. Đây là thái độ điển hình của các nhà nước XHCN đối với KH&CN.

KH&CN tự trị, nhà nước quản lý vĩ mô. Đây là nhà nước trong nền KH&CN hiện đại của các xã hội văn minh. 

Việt Nam đang cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Thái độ của Nhà nước đối với KH&CN cũng đang chuyển từ Triết lý 3 sang Triết lý 4. Nghị định 115 chính nằm trong tiến trình chuyển dịch này.

Đây là xu thế không thể đảo ngược. Chỉ có điều, cần tạo ra các thiết chế phù hợp cho tiến trình phát triển theo quỹ đạo của tiến bộ xã hội.

ĐỔI MỚI VỀ QUAN ĐIỂM

Sau khi Nghị định 115 được ban hành, một loạt viện đã giải trình mình là “nghiên cứu cơ bản” để khỏi phải “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Thật kỳ lạ, chính nghiên cứu cơ bản mới cần tự trị, thì ở ta, nghiên cứu cơ bản lại đòi chui vào thòng lọng nhà nước. Vì sao lại xuất hiện “cổ tích” này?

Trên Tạp chí Tia Sáng số ra ngày 12/12/2014, tôi đã mạnh dạn làm một tiểu phẫu thuật về “lỗi hệ thống” của Nghị định 115 trong bài “Nghị định 115 thiếu nhất quán giữa mục đích và phương tiện”. Tập trung nhất nằm ở Điều 7, Nhà nước vẫn làm chủ các đề tài, chương trình các cấp và cho các viện “đấu thầu”, “thi tuyển”. Các nhà nghiên cứu vẫn giữ thân phận kẻ làm thuê. Kẻ làm thuê thì làm gì có tự chủ.

Nghị định 96/2010/NĐ-CP (Nghị định 96) được ban hành sau đó nhằm tạo thuận lợi hơn về chế độ tài chính, và “vỗ béo” để các viện “đủ sức” tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhưng “vỗ béo” đến đâu? Không có câu trả lời.

Vấn đề tháo gỡ đích thực không phải là “vỗ béo” để các viện có thêm năng lực chuyển đổi, mà phải làm ngược lại: tạo hành lang chính sách để các viện chuyển đổi, từ đó họ tạo năng lực tự “vỗ béo” cho mình.

Chính đây là những điều cần tháo gỡ, nghĩa là phải bắt đầu từ quan điểm gốc.

CẦN ĐỔI MỚI TỪ VĨ MÔ

Vấn đề xuyên suốt các biện pháp tháo gỡ để thực hiện Nghị định 115 là xác lập quan điểm từ cấp vĩ mô nhằm tạo lập: (1) Quyền tự quyết định phương hướng nghiên cứu và (2) Quyền huy động các nguồn lực để thực hiện các phương hướng nghiên cứu đó. Quan điểm này có thể được thực hiện như sau:

Thu hẹp các chương trình, đề tài, nhiệm vụ nhà nước các cấp. Mỗi cấp chỉ giữ một-hai nhiệm vụ thực sự là của Nhà nước. Nhà nước chỉ “phân bổ” kinh phí cho một-hai nhiệm vụ này. Các nước trên thế giới đều làm theo cách này, kể cả những nước lớn, có tiềm lực khổng lồ như Mỹ.

Mở rộng các đề tài “cấp” cá nhân, do cá nhân đề xuất và thực hiện. Nhà nước đóng vai trò người tài trợ hào hiệp, chứ không “phân bổ” để thực hiện chỉ các đề tài “cấp” nhà nước. Toàn thế giới đang làm theo cách này.

Tự trị bao hàm cả nghĩa “tự trị trong hoạt động của các cá nhân và tổ chức KH&CN”. Không nhà nước nào “bưng tiền” mời ông KH&CN “xơi”, mà đều thông qua các dự án “xin” của chính người nghiên cứu. Nhưng người ta không “xin” theo kiểu “thi tuyển” và “đấu thầu” trong thân phận của kẻ “làm thuê” các nhiệm vụ của nhà nước. 

Nhà nước thay đổi quan niệm về đánh giá KH&CN, không “nghiệm thu” các đề tài “cấp” cá nhân này. Trong lịch sử khoa học, không nhà nước nào làm cái trò ngô nghê, là “nghiệm thu”... “đề tài” của những ông bà như Newton, Curie, Pasteur, Neumann, Shannon,... và một ông quen thuộc hơn, mà ai cũng biết, là ông Marx với đề tài “Tư bản luận”.

Cuối cùng, phải thực sự có kinh tế thị trường, từ đó, doanh nghiệp sẽ nảy sinh nhu cầu đổi mới công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh. Có như vậy, xã hội mới thực sự có nhu cầu KH&CN... để KH&CN tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Khi thông suốt quan điểm tự trị, thì sự tranh cãi kiểm soát dăm ba đồng tiền nhỏ nhoi cho khoa học sẽ trở thành chuyện vặt. Ông Mạnh Thường Quân Nhà nước sẽ xử sự với chế độ tài chính cho khoa học một cách đàng hoàng, và giới nghiên cứu cũng hết các trò phù phép để trót lọt kính hiển vi xăm soi của các “bà dì ghẻ” tài chính cay nghiệt này.

***

Sau 10 năm thực hiện, dù đã có một số giải pháp được đưa ra nhưng hầu như Nghị định 115 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy bàn biện pháp thúc đẩy việc thực hiện Nghị định 115 là việc làm hết sức bức thiết, trong đó biện pháp hàng đầu là phải thay đổi từ quan điểm của cấp vĩ mô. 
---

Xem Vũ Cao Đàm, Nghịch lý và Lối thoát, Bàn về triết lý Khoa học và Giáo dục Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 2014.
(Theo Tiasang.com.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây