75 năm Quốc hội Việt Nam: Xứng đáng là cơ quan đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân

Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của nhân dân.

75 năm Quốc hội Việt Nam: Xứng đáng là cơ quan đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân

Thành quả, biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc

Ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên: “... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 6.1.1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, lầm than đã tự vươn mình trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập, khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập chủ quyền và thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Khẳng định vai trò lịch sử

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về lập hiến, với vai trò lịch sử của mình, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tiếp đó là Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau đại thắng mùa xuân năm1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 15.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tiến hành trong cả nước và đã thu được thắng lợi rực rỡ. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, Quốc hội tiếp tục ban hành Hiến pháp1980 - Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Và Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Ngày 28.11.2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, cụm từ “Nhân dân” được viết hoa để khẳng định và đề cao vai trò có tính quyết định của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trong những năm qua, hoạt động lập pháp luôn được Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thêm một dấu ấn đổi mới trong những năm gần đây của Quốc hội là hoạt động chất vấn với tinh thần rất dân chủ. Những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã góp phần làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sôi động, thiết thực, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.

Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia,  chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đã góp phần duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng hoàn thành tốt những nhiệm vụ quốc tế với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO) và sau này là Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA). Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc 3 lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 (năm 2002), Đại hội đồng AIPA 31 (năm 2010) và mới đây nhất là Đại hội đồng AIPA 41 (năm 2020).

Không ngừng đổi mới

Từ thực tế 75 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam có thể khẳng định, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của dân, do dân, vì dân.

Quốc hội không ngừng được đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, không ngừng kiện toàn và tăng cường các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển ngày càng cao của đất nước.

Quốc hội luôn tăng cường mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, gắn bó chặt chẽ và chủ động phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan này trong quan hệ phối hợp với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Mặt khác, để hoạt động của Quốc hội thể hiện được ý chí, nguyện vọng của toàn dân, gắn bó với thực tiễn cuộc sống, Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tăng cường mối quan hệ với nhân dân thông qua tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên các diễn đàn Quốc hội.

Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Theo Báo Hải Dương


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay46,189
  • Tháng hiện tại1,236,788
  • Tổng lượt truy cập3,941,992
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây