Phát huy tiềm năng, ưu thế văn hóa xứ Đông, nâng cao chất lượng nguồn lực

Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, với tình cảm gắn bó với quê hương, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo Hải Dương cuộc phỏng vấn xung quanh thành tựu và định hướng phát triển giáo dục, văn hóa của tỉnh.

Phát huy tiềm năng, ưu thế văn hóa xứ Đông, nâng cao chất lượng nguồn lực

- Là một người con quê Hải Dương, công tác tại  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông có cảm nhận gì về sự phát triển của văn hóa, xã hội tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua?
- Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng và nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy khá ấn tượng. Trên bình diện cả nước, tôi thấy quê nhà vẫn tiếp tục duy trì, khẳng định được những mặt mạnh của một vùng đất văn hiến nổi tiếng. Điều đó thấy rõ khi Hải Dương 5 năm qua tiếp tục là điển hình trong toàn quốc về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thành tích học sinh giỏi quốc gia đứng trong các tỉnh, thành phố thuộc tốp đầu cả nước. Tôi được biết giai đoạn 2015 - 2020, Hải Dương có 355 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt tỷ lệ 72,4%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó có 13 giải nhất. Tỉnh ta cũng có 1 học sinh đoạt huy chương bạc Olympic sinh học quốc tế. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, nên hệ thống cơ sở vật chất ngày càng theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của tỉnh cũng cao hơn toàn quốc.
Đối với văn hóa, các kết quả đạt được khá toàn diện. Nhiệm kỳ qua, Hải Dương có thêm 3 di tích, cụm di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia và quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Đây là sự ghi nhận đáng tự hào của tỉnh nói chung, ngành văn hóa nói riêng. Đó là kết quả của những cố gắng lớn, không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Các di tích quốc gia đặc biệt mới được công nhận đều là những di tích nổi tiếng, mở ra cơ hội lớn để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, tạo đà đưa ngành du lịch lên tầm cao mới; cũng là thể hiện truyền thống văn hiến, lịch sử lâu đời và văn hóa đặc sắc của xứ Đông. Tôi được biết ngoài 4 di tích quốc gia đặc biệt, đến hết năm nay trên địa bàn tỉnh có 142 di tích cấp quốc gia, 8 bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích cấp tỉnh khác. Số lượng di tích được công nhận nhiều như vậy, chứng tỏ Hải Dương rất chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa.
- Từ nhiều nhiệm kỳ nay, Đảng ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Ông có thể gợi mở một số cơ chế, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa mà tỉnh cần thực hiện 5 năm tới để phát huy truyền thống của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, hiếu học và thực hiện tốt chủ trương của Đảng?
- Xứ Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt, có lịch sử văn hiến lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, nổi danh về truyền thống hiếu học với số lượng các tiến sĩ và học vị tương đương thời phong kiến thuộc hàng đầu cả nước. Nhắc đến xứ Đông, phải kể tới những “địa chỉ đỏ” về giáo dục và đào tạo như Văn miếu Mao Điền, đền thờ nhà giáo Chu Văn An. Vùng đất này còn sở hữu các di tích ghi dấu ấn của các danh nhân như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh…
Tôi rất nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII như tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo về nội dung, chương trình, phương thức dạy và học, đánh giá chất lượng; giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh giỏi; nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh…
Hải Dương đã quan tâm tới giáo dục song nhiệm kỳ tới cần có một số cơ chế, chính sách cụ thể, tạo động lực để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tôi cho rằng tỉnh cần có chương trình để tạo đột phá trong nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Qua theo dõi tôi thấy điểm thi tốt nghiệp THPT tiếng Anh của tỉnh nhà còn thấp, chưa tương xứng với điều kiện của tỉnh hiện nay. Nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, công nghiệp, giao thương của tỉnh ngày càng phát triển, nếu nguồn lao động không giỏi tiếng Anh sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Các giải pháp quan trọng có thể tính đến như đưa tiếng Anh là môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT; chuẩn hóa, nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy của giáo viên; áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động cho các trung tâm ngoại ngữ có đủ năng lực, có đội ngũ giáo viên nước ngoài đủ trình độ. Được biết, Hải Dương đã có nhiều trường thực hiện mô hình phối hợp giảng dạy tiếng Anh giữa giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Mô hình này cần được đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Việc đưa giáo viên nước ngoài phối hợp cùng giảng dạy sẽ giúp nâng cao trình độ rất nhanh cho giáo viên, học sinh, nhất là về khả năng phát âm, giao tiếp.
Thời gian qua, thành tích giáo dục mũi nhọn của tỉnh cũng đã đáng ghi nhận, song số học sinh đoạt giải tại kỳ thi Olympic quốc tế còn ít; thời gian tới, tôi kỳ vọng thành tích này sẽ được nâng lên. Muốn vậy, tỉnh cần tập trung hơn, đầu tư mạnh hơn cho công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, nhất là đầu tư cho trường chuyên, trường chất lượng cao.
Còn các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa cần tập trung khai thác vào điểm mạnh của tỉnh và phát huy kết quả bảo tồn, phát huy vai trò của các di tích 5 năm qua. Tôi hoàn toàn tán thành việc Đảng bộ tỉnh đã tính đến định hướng này. Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 5 chương trình, trong đó có “Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình này có mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa hiện có; khai thác hiệu quả hệ thống quần thể các di tích, danh thắng để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Hải Dương văn minh, thanh lịch...
Tôi cho rằng tỉnh cần có chính sách hiệu quả để thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, chiêm bái các di tích trên địa bàn, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, dù số lượng khách du lịch của tỉnh hằng năm đều tăng song chưa thật nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Muốn khách đến đông, tỉnh cần tạo sự kết nối giữa các điểm, khu dịch lịch trong tỉnh và liên thông với các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên... Nếu nhiệm kỳ tới, tỉnh làm thật tốt nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa thế giới, thì đó sẽ là thuận lợi lớn, điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Hiện nay, các dịch vụ, sản phẩm du lịch của Hải Dương chưa phong phú, các điểm du lịch chưa kết nối, nên khó thu hút du khách lưu trú. Không phải tỉnh ta không có tiềm năng phát triển, mà chưa có cơ chế đột phá để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch để họ đồng hành cùng với tỉnh. Do đó, thu hút được các nhà đầu tư lớn vào tỉnh để làm đa dạng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn là một biện pháp quan trọng mà Hải Dương cần quan tâm.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Hải Dương


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay60,076
  • Tháng hiện tại1,210,308
  • Tổng lượt truy cập3,915,512
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây