Huyện Thanh Hà (Hải Dương) là huyện thuần nông với 2 loại cây trồng chính là lúa và cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả của huyện năm 2014 là 6.614 ha chiếm gần 60% diện tích đất canh tác, trong đó diện tích trồng vải là 3.945 ha, phát triển thành các vùng tập trung như vùng sản xuất vải sớm khu Hà Đông, vùng sản xuất vải thiều khu Hà Nam. Từ năm 2007 cây vải thiều Thanh Hà đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà thì việc đưa quy trình VietGAP vào sản xuất vải đảm bảo chất lượng tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu là điều rất cần thiết.

Năm 2011 sản lượng vải đạt cao nhất 30.878 tấn và năm 2010 đạt thấp nhất 10.119 tấn. Giá trị sản xuất cây vải năm 2013 đạt 120 - 130 triệu đồng /ha/năm. Nhằm nâng cao chất lượng vải thiều, giữ vững thương hiệu vải thiều Thanh Hà trên thị trường trong 3 năm 2012 - 2014 huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP”. Đây là lần đầu tiên quy trình thực hành nông nghiệp tốt - GAP được áp dụng trên cây ăn quả của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là trên cây vải đặc sản của huyện Thanh Hà. Sau 3 năm triển khai thực hiện tại 3 xã Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Thủy của huyện Thanh Hà (Hải Dương) trên diện tích 100 ha với 530 tham gia. Trong đó xã Thanh Sơn có 169 hộ tham gia với diện tích 17 ha, xã Thanh Khê 192 hộ tham gia với diện tích 19,7 ha và xã Thanh Thủy 169 hộ tham gia với diện tích 19,3 ha.
Để các hộ tham gia dự án thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất vải huyện Thanh Hà đã tổ chức 6 buổi hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải theo quy trình VietGAP và 12 lớp đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho 530 hộ tham gia thực hiện kỹ thuật sản xuất vải theo quy trình VietGAP. Đồng thời xây dựng, in và cấp sổ ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất vải theo quy trình VietGAP cho các hộ dân tham gia dự án. Các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ ghi chép sổ sách, thực hiện các quy định, biện pháp kỹ thuật trong sản xuất theo VietGAP đảm bảo đúng quy định. Theo dõi thường xuyên diễn biến phát sinh phát triển của sâu bệnh hại để khuyến cáo bà con phòng trừ hiệu quả. Từ đó các hộ đã chăm sóc vải theo đúng quy trình, lượng phân bón đầu tư cho cây vải được cải thiện hơn so với trước khi tham gia dự án, đáp ứng đủ lượng dinh dưỡng theo nhu cầu lên cây vải sinh trưởng phát triển khá, quả ra đều, phát triển nhanh. Việc cắt tỉa và vệ sinh vườn cây cũng được các hộ thực hiện đúng theo quy trình và đúng theo tiêu chuẩn. Các hộ dân chủ động kiểm tra, giám sát và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, trong danh mục cho phép, sử dụng thuốc đúng kỹ thuật … do đó tỷ lệ sâu bệnh hại trong vùng dự án thấp hơn nhiều so với ngoài vùng, thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch đã đảm bảo sản phẩm khi kiểm tra không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong hai năm 2012 - 2013 huyện Thanh Hà đã tổ chức cấp chứng nhận cho cho 526 lượt hộ tham gia dự án tại 2 xã Thanh Sơn, Thanh Khê, huyện Thanh Hà với diện tích 60 ha và đã có 18 ha cửa 136 lượt hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 200 tấn. Sang năm 2014 có 361 hộ tham gia dự an với 40 ha tại 2 xã Thanh Khê và Thanh Thủy có khoảng 50% số hộ thực hiện sản xuất vải theo quy trình VietGAP đạt tiêu chuẩn diện tích khoảng 20 ha, với sản lượng 200 tấn được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Ngoài các hộ tham gia dự án thì trong 3 năm còn có nhiều hộ dân trồng vải khác trong xã và các xã trong vùng đã áp dụng quy trình sản xuất vải theo VietGAP vào sản xuất với trên 1000 ha vải để tạo ra sản phẩm vải quả có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện cũng đã tổ chức in túi đựng, tem nhãn cấp cho các hộ dân để sử dụng cho sản phẩm quả vải được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGAP khi thu hoạch được phân loại tạo ra lô sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, được đóng gói, treo tem nhãn và đưa đi tiêu thụ. Sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu được sử dụng làm hàng giới thiệu sản phẩm, làm quà biếu, bán tại các siêu thị và đưa đi xuất khẩu. Giá bán sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGAP cao hơn giá vải thường từ 10 - 20%, hiệu quả sản xuất vải trên đơn vị diện tích tăng 5 - 10%.
Sau 3 năm thực hiện dự án năng suất vải bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 1000 tấn quả. Cây vải trong vùng dự án sinh trưởng phát triển tốt, lá to, xanh và dày hơn, ít sâu bệnh hại, quả lớn nhanh, đều, tỷ lệ đậu quả cao, quả ít bị rụng sinh lý, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng quả đạt tốt hơn, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít sâu bệnh, đặc biệt tỷ lệ quả bị sâu đục mép, đục cuống và bệnh thán thư ít hơn so với ngoài vùng dự án.
Phấn đấu đến năm 2015 huyện Thanh Hà (Hải Dương) tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP từ 30-50% diện tích trồng vải. Hướng dẫn hộ dân áp dụng quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm quả vải chất lượng cao.
Hải Ninh