Khoa học quản lý (số 3-2008) 2008-12-27 09:00:31

QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VỀ "QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG" N.V.V

Ngày 05/3/2008 UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND. Quy định quản lý một số hoạt động sở hữu công nghiệp (SHCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương gồm 5 chương, 25 điều.

 

Chương I "Những quy định chung" gồm có 5 điều từ Điều 1 đến Điều, quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích một số từ ngữ, áp dụng pháp luật. Một số nội dung quy định gồm:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

- Tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến SHCN.

- Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHCN.

 

Điều 4. Các đối tượng SHCN được Nhà nước bảo hộ bao gồm:

Sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí; nhãn hiệu; tên thương mại; chỉ dẫn địa lý; bí mật kinh doanh; quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

 

Chương II gồm 5 điều, từ Điều 6 đến Điều 10, quy định đăng ký xác lập quyền SHCN. Trong đó bản quy định đã quy định những đối tượng SHCN để được Nhà nước bảo hộ, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN.

Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 86, 87 và Điều 88 của Luật Sở hữu trí tuệ có quyền nộp đơn đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng SHCN.

Hồ sơ đơn, thủ tục xác lập quyền SHCN, thủ tục chuyển giao quyền SHCN được thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về SHCN.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền SHCN ra nước ngoài, hồ sơ đơn và thủ tục xác lập quyền được thực hiện theo quy định của nước nhận đơn hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nếu tổ chức, cá nhân nộp đơn theo Điều ước quốc tế đó.

 

Điều 9. Cách thức và nơi nộp đơn đăng ký xác lập quyền

- Tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể nộp đơn đăng ký xác lập quyền SHCN theo một trong các cách thức sau:

+ Nộp đơn trực tiếp cho Phòng Đăng ký của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp đơn cho Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ;

+ Nộp đơn thông qua tổ chức đại diện SHCN.

- Tổ chức, cá nhân muốn nộp đơn đăng ký xác lập quyền SHCN ở nước ngoài cần thực hiện theo quy định của pháp luật nước nhận đơn và quy định nêu trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Điều 10. Cơ quan tư vấn, hướng dẫn thủ tục về SHCN

Tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể liên hệ với các cơ quan, tổ chức sau để được hướng dẫn các thủ tục về SHCN:

- Cục Sở hữu trí tuệ;

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh;

- Các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN được cấp phép hành nghề đại diện SHCN.

 

Chương III gồm 7 điều, từ Điều 11 đến Điều 17 quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động SHCN.

 

Điều 11. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp:

- Chủ sở hữu các đối tượng SHCN;

- Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng SHCN;

- Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN;

- Tổ chức, cá nhân được thừa kế, kế thừa quyền SHCN;

- Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

Tổ chức được Nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý bao gồm UBND tỉnh; Cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

- Tổ chức, cá nhân được Nhà nước chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế.

 

Điều 12. Quy định chủ thể quyền SHCN có quyền: sử dụng các đối tượng SHCN, ngăn cấm người khác sử dụng các đối tượng SHCN, định đoạt đối tượng SHCN, thực hiện quyền tự bảo vệ quyền SHCN của mình hoặc thông qua tổ chức đại diện SHCN để thực hiện quyền tự bảo vệ trước các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Điều 13. Quy định các tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền SHCN có quyền:

- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

- Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của người có quyền sử dụng trước theo quy định tại Điều 134 của Luật Sở hữu trí tuệ;

- Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ;

- Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ;

- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

- Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật Sở hữu trí tuệ;

- Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại;

- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

 

Điều 14. Quy định nghĩa vụ của chủ thể quyền SHCN.

 

Điều 15. Quy định nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền SHCN.

 

Điều 16. Quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ SHCN.

 

Điều 17. Quy định khiếu nại, tố cáo hành vi xâm phạm quyền SHCN.

 

Chương IV gồm 7 điều, từ Điều 18 đến Điều 24, quy định trách nhiệm của UBND tỉnh; trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHCN ở tỉnh bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan khác.

 

Chương V: Điều khoản thi hành. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện quy định này nếu có khó khăn vướng mắc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Quy định quản lý một số hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dưới đây là tóm tắt nội dung của Quyết định trên.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.