Huyện Cẩm Giàng có 3 nơi thờ ông là đền Xưa nơi ông sinh ra, chùa Giám nơi ông tu hành và đền Bia nơi thờ tấm bia đá khắc lời di nguyện thiêng liêng của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 - mất năm 1400, ông sinh ra tại làng Nghĩa Phú, huyện Đa Cẩm, Lộ Hồng Châu (nay thuộc thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Lên 6 tuổi, ông đã mồ côi cha, mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang tức Chùa Giám đón về nuôi dạy. Suốt cuộc đời tuổi thơ ông nương tựa chốn thiền môn.
Thiền sư Tuệ Tĩnh là người mở đầu, có những đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc, ông được tôn vinh là vị Thánh thuốc Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực. Hơn 30 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống các phương pháp chữa bệnh gồm 10 khoa, 2 môn bằng 3.873 phương thuốc, 580 vị thuốc nam điều trị cho 184 chứng bệnh. Tuệ Tĩnh đã có những đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y học dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy.
Bia do Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699), người cùng làng Nghĩa Phú, năm 1690 trong lần đi sứ đã thấy mộ phần Danh y Tuệ Tĩnh tại Giang Nam (Trung Quốc), ông đã xúc động trước khát vọng của người con luôn hướng về quê hương, đất nước với dòng chữ khắc trên bia mộ “Đời sau có ai ở nước Nam sang, nhớ cho tôi về với.”
Thiền sư Tuệ Tĩnh đã có những đóng góp cho kho tàng tri thức y, dược học dân tộc, về tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước. là một tấm gương tiêu biểu, niềm tự hào và là động lực cổ vũ các thế hệ thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hải Ninh