Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc vai trò của KH,CN&ĐMST thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu phát triển đất nước của Đảng. KH,CN&ĐMST là công cụ then chốt trong phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Còn nhớ vào ngày 12/9/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tại đây, Tổng Bí thư cho rằng, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của Đảng, Nhà nước là bảo vệ vững chắc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Do đó, cũng như mọi ngành, nghề lĩnh vực khác, KH&CN phải phục vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, đây cũng là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến dự Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất, ngày 18/5/1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Lời căn dặn của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KH&CN nước nhà. Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, ngành KH&CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bài phát biểu kết luận, Tổng Bí thư cho rằng, thời gian qua mặc dù điều kiện kinh tế tài chính có hạn, điểm xuất phát thấp nhưng hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu KH&CN bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, KH&CN, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng... đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đường lối, chính sách, luật pháp..., những luận điểm cơ bản, con đường phát triển của đất nước được vạch rõ trong các văn kiện của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn... đều phải dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn.
Tổng Bí cho rằng, trước đây nước ta dân ít, ruộng nhiều, nhưng làm không đủ ăn. Bây giờ ruộng đất thu hẹp lại, dân số đông hơn, nhưng không những đủ lương thực, mà còn xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Vẫn con người ấy, đồng ruộng ấy, kết quả ấy có được rõ ràng là nhờ KH&CN. Xuất khẩu cà phê, hạt điều..., những thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng… biết bao công trình đã được hoàn thành và đi vào vận hành, phục vụ hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đất nước. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu ngành KH&CN cần tổng kết lại những kết quả đã đạt được, tiếp tục phát huy thành tựu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tập trung phát triển KH&CN hơn nữa. Đồng thời nhấn mạnh 7 nội dung ngành KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về KH&CN trong điều kiện mới.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách để phát triển KH&CN. Đây là điểm mấu chốt. Cơ chế chính sách bao gồm chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm… Trong đó, cần nhấn mạnh đổi mới cơ chế tài chính sao cho tập trung được mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài.
Thứ ba, đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bao gồm mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp làm KH&CN cho phù hợp điều kiện kinh tế thị trường.
Thứ tư, đổi mới công tác quản lý, làm sao để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực, khuyến khích người tài, tạo môi trường dân chủ và thuận lợi cho cán bộ KH&CN yên tâm công tác. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ KH&CN.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN, sử dụng cán bộ KH&CN hiện có và có chính sách trọng dụng người tài. Đào tạo nhân lực một số ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm và có chính sách tôn vinh cán bộ KH&CN.
Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan, các ngành, các cấp kịp thời và nhịp nhàng hơn, làm các ngành hiểu chúng ta hơn.
Cuối cùng, Tổng Bí thư lưu ý Bộ KH&CN cần hết sức quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, coi đây là nhân tố hết sức then chốt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy, ngay sau buổi làm việc với Bộ KH&CN, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31/10/2012 "Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nghị quyết khẳng định, phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Ba năm sau, vào ngày 22/2/2015 (đúng mùng 4 tết Nguyên đán Ất mùi) Bộ KH&CN lại vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết cán bộ, nhân viên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Tại đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng đến thăm Khu Công nghệ cao, một vườn ươm khoa học công nghệ cao của nước nhà và tham dự Tết trồng cây trên vùng đất địa linh giàu truyền thống văn hóa. Cũng tại đây, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh Đảng, Nhà nước rất quan tâm phát triển KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Để đi lên chủ nghĩa xã hội, phải tiến hành 3 cuộc cách mạng, đó là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng KH&CN và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng KH&CN là then chốt.
Tổng Bí thư chỉ ra, trong những năm gần đây, khi đất nước tiến hành đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng phát triển KH&CN, coi đây là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định trí tuệ và sức mạnh của một dân tộc, là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đầu tư cho KH&CN cũng như giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã làm nhiều việc, trong đó có việc triển khai xây dựng các khu công nghệ cao, đặc biệt đầu tiên là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người, Tổng Bí thư mong muốn, việc trồng cây, trồng người và thúc đẩy ươm trồng công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Cán bộ, nhân viên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trồng cây một cách thực sự, chứ không chỉ là hình thức, để vùng đất này không chỉ có vườn cây xanh sum suê, mà còn có một vườn công nghệ cao, gặt hái những mùa xanh tươi tốt trên vùng đất Hòa Lạc. Tổng Bí thư cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ KH&CN, việc triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có bước chuyển tốt, qua đó tạo cơ sở vật chất bước đầu, thu hút được một số nhà đầu tư.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của KH&CN đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời có những bổ sung, phát triển quan trọng, nhấn mạnh rõ hơn KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới. Đặc biệt, vai trò của KH,CN&ĐMST đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Thực hiện lời căn dăn và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ KH&CN đã nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp của Đảng. Bộ KH&CN đã cụ thể hoá, triển khai các chủ trương, đường lối phát triển KH,CN&ĐMST, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thông qua việc ban hành mới, sửa các luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ KHCN