Khoa học quản lý (số 5-2015) 2015-10-30 14:27:52

Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản lịch sử Việt Nam. Chữ Hán du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, lý do là, Lý Ông Trọng, làm quan với nhà Tần là người nổi tiếng về chữ Hán đương thời. Trong gần một nghìn năm Bắc thuộc, chữ Hán được phổ biến trong hàng ngũ quan lại các cấp và trong người dân. Năm 1996, khi khai quật mộ Hán ở Đống Dom, xã Ái Quốc (TP.Hải Dương) tìm được tấm bia mộ chí ở lớp gạch cuối cùng, có niên đại Vĩnh Kiến ngũ niên (永建五年), tức năm 130 Công lịch. Từ khi nước nhà giành được độc lập, từ ký tự Hán văn, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, tức chữ của nước Nam, sau được gọi là Quốc ngữ.

Chữ Nôm ở thế kỷ XVIII đã khá phát triển, có thể ghi mọi âm Việt một cách tinh tế, cứ xem Truyện Kiều thì rõ. Còn Hán tự, ông cha ta lại có cách đọc theo âm Hán Việt, không lệ thuộc vào cách phát âm của người Hán. Đó là một thành công vĩ đại về phương diện văn hóa, đó cũng là cách chống đồng hóa. Trong ngôn ngữ hiện đại, dân gian dùng đến 70% âm Hán Việt trong giao tiếp cũng như trong văn bản mà vẫn hiểu được, làm cho ngôn ngữ thêm phong phú.
Đến nay, Việt Nam có hai Quốc ngữ: Quốc ngữ bằng ký tự Hán văn, ra đời từ thời Lý, do người Việt sáng tạo, hoàn thiện vào thế kỷ XVIII. Quốc ngữ bằng ký tự La tinh, do cha cố phương Tây sáng tạo, người Việt hoàn thiện. Hai thứ chữ đều  đáng trân trọng về phương diện khoa học và văn hóa. 
Ngày nay, học sinh lớp một đọc và viết được các chữ chỉ có 9 tháng, nhưng thời phong kiến, sĩ tử đi thi Đại khoa mà vẫn nhiều chữ chưa biết, không nói đến bậc Cử nhân. Điều đó cũng dễ hiểu, chữ quốc ngữ La tinh có 34 chữ cái và 5 dấu cơ bản, viết theo hàng ngang, có thể đánh vần. Chữ Hán có 214 bộ, tương đương 214 chữ cái, viết theo khối vuông theo cách tượng hình, hội ý và giả tá, một từ lại có nhiều tự dạng. Tự dạng khác nhau thì nội hàm cũng khác nhau, đã thế một chữ lại có nhiều nghĩa khi ở ngữ cảnh khác nhau, thậm chí đọc theo nhiều âm khác nhau, nên khó học là tất nhiên. Tự dạng biểu hiện nội hàm của khái niệm, một chữ độc lập không cần chữ thứ hai người đọc vẫn hiểu được. Ngược lại, chữ Quốc ngữ La tinh, một từ quá lắm có 2 cách viết.
70 năm qua, chữ Hán, chữ Nôm, không được giảng dạy trong chương trình phổ thông. Số người biết loại chữ này ngày càng thưa vắng dần, người được học căn bản không nhiều và đôi khi không thiết tha với sự nghiệp. Đến nay nhiều người không còn đọc thông một văn bia. Không biết chữ thì không thể đọc, từ đó không thể hiểu nội dung, như vậy thì khó có ý thức bảo tồn, chưa nói đến phát huy.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 65, thể hiện sự quan tâm đến di sản lịch sử, trong đó có di sản Hán Nôm. Hình ảnh người chăm chú đọc văn bia tại di tích Côn Sơn, ngày 15/2/1965 là biểu trưng về sự quan tâm của Nhà nước Cách mạng về di sản Hán Nôm.
Trong suốt hai nghìn năm lịch sử, tình cảm, ý chí, lịch sử, văn hóa… của dân tộc ta được thể hiện căn bản bằng văn tự Hán Nôm, nguồn tư liệu này nếu không được phiên dịch sang Quốc ngữ thật khó thừa kế và phát huy. Nhà nước đã thành lập Viện Hán Nôm để sưu tầm, bảo quản và nghiên cứu, phát huy nguồn di sản này. Không chỉ nhà nước ta quan tâm đến di sản Hán Nôm, đầu thế kỷ XX, các học giả Pháp đã sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu khá toàn diện loại di sản này. Viện Viễn Đông bác cổ đã cho người về các làng, xã in dập được trên hai vạn thác bản văn bia, trong đó có trên 1.500 thác bản ở Hải Dương mà ngày này trong số đó nhiều bia ký, tức văn bản gốc không còn.
Sau năm 1954, ngành Văn hóa tỉnh Hải Dương đã cho sưu tầm và đăng ký văn bản Hán Nôm. Năm 1966 - 1970, trong quá trình kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa đã đặc biệt quan tâm đến loại hình di sản này; khi lập hồ sơ di tích, di sản Hán Nôm là một tiêu chí để xếp hạng. Năm 1984, hoàn thành bước đầu thư mục văn bia, sau đó là thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự. Trong thời gian nói trên, nhiều văn bản Hán Nôm có giá trị được phát hiện và công bố. Tuy nhiên, những việc làm nói trên mới là thống kế, khái lược nội dung mà chưa phiên dịch được trọn bộ từng di tích, nhất là những di tích xếp hạng Quốc gia. Vì vậy chưa thể hiểu biết thấu đáo từng di tích về phương diện văn bản.
Trên đất Hải Dương hiện nay còn hàng nghìn sách vở, sắc phong, câu đối, đại tự, thần tích viết bằng Hán Nôm, trong đó có khoảng 3.000 bia ký. Nội dung các văn bia rất phong phú, giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử quốc gia, cho từng làng xã, từng dòng họ, chính xác về thời gian, không gian, nhân vật,...ngoài chúng, chúng ta không thể tìm được tư liệu đó ở những văn bản khác. Để phát huy nguồn di sản này, Hội Sử học tỉnh Hải Dương đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện đề tài: Sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải di sản Hán Nôm Hải Dương tại các di tích xếp hạng Quốc gia. Nhằm dịch trọn vẹn số văn bản Hán Nôm có trong từng di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, bao gồm: văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự…do  Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương làm Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng tác viên của Bảo tàng tỉnh và Câu lạc bộ Hán Nôm. Đợt I, trong 3 năm (2011 - 2013) thực hiện ở 16 di tích. Sau khi sưu tầm, kiểm kê 500 đơn vị tư liệu, với gần 20 vạn chữ. Việc khôi phục văn bản là vô cùng khó khăn, vì  “Trăm năm bia đá thì mòn”, không những mòn mờ mà còn vỡ nát; những văn bản ghi trên giấy và gỗ cũng bị mối mọt, nhòe rách… Bia tại các di tích cũng không dễ in dập, do bảo quản không chu đáo. Tuy những bản in thời Pháp có khá hơn, nhưng không phải bản nào cũng rõ, hoặc đã chụp thu nhỏ rất khó đọc. Dù mất nhiều thời gian, sau khi khôi phục đã đạt được trên 98% số chữ trên văn bản. Mỗi văn bản có sao nguyên bản gốc, phiên âm, dịch nghĩa, tuy nhiên nhiều chữ quá mờ lại dài, đọc rất khó khăn. Ban chủ nhiệm đề tài đã dịch toàn bộ, không để sót một chữ, nếu đã đọc được. Căn cứ vào bản dịch cũng như chính bản, nếu đọc được chữ Hán, các dòng học, khi viết gia phả có thể tra cứu, rất có thể tìm được tên, chức vụ của cụ tổ hoặc các thế thứ từ nhiều đời qua văn bia. Đây là tư liệu quý, chuẩn mà các nguồn liệu liệu khác không có.
Bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự…không chỉ là phương tiện và chất liệu ghi văn bản mà còn là những tác phẩm mỹ thuật về thư pháp và hoa văn. Để thuận tiện cho việc sử dụng, Ban chủ nhiệm đề tài đã in số tài liệu nói trên thành ba tập, mỗi tập trên 600 trang.
Tập I có 5 di tích, Tập II có 4 di tích với 1.208 trang.
Bìa 1, hình ảnh Bác Hồ đọc bia chùa Côn Sơn khi Người về thăm di tích ngày 15/2/1965. Đây là hình ảnh điển hình về sự quan tâm của Bác Hồ đến di sản Hán Nôm tại Hải Dương, đồng thời cũng là biểu trưng về sự quan tâm của nhà nước với di sản của dân tộc.
Bìa IV, lấy mặt trước bia chùa Sùng Thiên, tại thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc). Đây là tấm bia thể hiện thư pháp tiêu biểu ở thời Trần không chỉ ở Hải Dương mà của cả nước.
Tập III, Tập IV cũng đã được biên tập, khi có điều kiện sẽ in tiếp để phục vụ độc giả, nhất là cán bộ nghiên cứu lịch sử và văn hóa.
Tăng Bá Hoành
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.